- Khác với cảnh các giáo viên phải đến từng nhà để vận động đi học cách đây ít năm, giờ đây những đứa trẻ của xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai không chỉ tự giác đến trường mà còn tự tin hòa mình trình diễn tiết mục văn nghệ trước đám đông.
Sau quãng đường hơn 100 cây số từ thành phố Pleiku, chúng tôi dừng chân ở xã Tú An, thị xã An Khê, một trong những địa bàn còn khó khăn của tỉnh Gia Lai. Thế nhưng vừa xuống xe, ai nấy đều bất ngờ khi ở một vùng quê yên ắng lại được chào đón bằng một không khí sôi động của các học trò nhỏ nơi đây.
Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, những đứa trẻ 3-5 tuổi tự tin lắc hông hay thực hiện những động tác múa và dẫm chân uyển chuyển. Trường học đông vui khác hẳn không khí 6 năm về trước, khi mà phải đến nhà vận động các em mới tới trường.
Khi hỏi, từ các giáo viên cho đến bất cứ người dân nào trong làng, ai cũng cho rằng đây thực sự là thành quả từ “Phát triển trẻ thơ tại tỉnh Gia Lai” được thực hiện bởi Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ New Zealand và tổ chức Plan International trong hơn 6 năm (2012-2018) với trị giá 7,5 triệu USD.
Nói vậy, bởi như lời cô Lê Thị Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép làng Pơ Nang, tổ trưởng chuyên môn nhà trường và cũng là giáo viên cốt cán đồng hành với dự án, thì cách đây 6 năm, nơi đây chỉ là bãi đất hoang.
“6 năm trước khi chưa có dự án thì Trường Mẫu giáo Hoa Sen rải rác trên địa bàn xã Tú An và có nhiều điểm lẻ cách xa nhau, trong đó có 3 điểm ở 3 làng dân tộc. Hồi đó, cơ sở vật chất nhiều nơi thiếu thốn, thậm chí chúng tôi phải mượn trụ sở của thôn hoặc nhà dân để làm nơi học tạm bợ cho trẻ. Bàn ghế cũng như các vật dụng đồ chơi, trang thiết bị phục vụ cho dạy học của cô trò rất thiếu thốn. Đồ chơi không có nên các cháu đi học cũng không chuyên cần và kết quả cũng không đạt chất lượng”, cô Oanh nhớ lại.
Trước đây, khi chưa có trường và cơ sở vật chất khang trang như giờ thì cô Oanh cùng các đồng nghiệp phải thường xuyên đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho con đi học. “Khi đó các cha mẹ ít quan tâm đến con và thường cho con đi ngủ rẫy hoặc để cho con đi chơi. Từ khi có dự án hỗ trợ xây cho 3 làng 3 lớp học khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi nên các cháu rất thích đi học và đi học rất chuyên cần. Chúng tôi không cần đến làng vận động nữa mà cha mẹ tự đưa con đến lớp và không còn để các con ngủ rẫy nữa”.
Nụ cười đầy tự tin của các em bé Trường mẫu giáo Hoa Sen trước khi trình diễn tiết mục. |
Từ khi có dự án hỗ trợ, các giáo viên cũng được tập huấn về phương pháp dạy học, cách duy trì sĩ số lớp học, cách chăm sóc giáo dục, thế nên học sinh mỗi ngày một đông và không còn cảnh phải đi vận động.
“Từ khi có trường mới tổng số học sinh tăng lên theo từng năm và các em đi học rất đều và chăm chỉ. Năm trước có 6 lớp và năm vừa qua lên 10 lớp và năm nay vẫn giữ là 10 lớp”, cô Oanh nói.
Nhìn đứa con nhỏ của mình tự tin nhảy múa cùng các bạn, chị Đinh Thị Pin (trú tại làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) chia sẻ bản thân cảm thấy rất vui.
“Đi học về thì con kể với bố mẹ là ở trường cô dạy múa, dạy hát, dạy cách vệ sinh cơ thể và môi trường. Tôi thấy rất vui rất mừng khi con biết múa, hát và hiểu biết hơn. Tôi muốn con đi học để sau này phát triển hơn không làm rẫy khổ như bố mẹ. Tôi muốn con trở thành một cô giáo mầm non”.
Chị kể, xung quanh nhà chị giờ đây cũng không nhà nào cho con ở nhà mà đều cho đến trường đi học.
Cạnh đó, chị Đinh Thị Klởi có con trai 5 tuổi theo học tại đây chia sẻ: “Trường học giờ đây có nhiều đồ chơi hơn, bây giờ mấy đứa nhỏ thích lắm. Con nói là đi học con vui lắm, có đồ chơi rất nhiều và còn được cô tập cho múa, hát”.
Chị kể các con còn bé nhưng mạnh dạn và tự tin thực hiện các động tác nhảy như vậy có lẽ do nhà trường có hoạt động tập múa, hát cho các con từ lâu. “Tôi thực sự cảm thấy vui và yên tâm khi gửi gắm con. Thậm chí, Thứ Bảy và Chủ nhật, con vẫn đòi mẹ cho đi học để được gặp bạn và chơi đồ chơi”.
Các em học sinh tỏ ra thích thú khi đến trường. |
Trường Mẫu giáo Hoa Sen là một trong 18 trường mẫu giáo được xây dựng bởi dự án. Cơ sở vật chất mới của trường đã tăng cường cách tiếp cận với nền giáo dục mầm non chất lượng cao đến người dân tộc thiểu số.
Trường cũng là nơi học của con em làng Nhoi, làng Pờ Nang và làng Hòa Bình là người dân tộc Ba Na.
Những món đồ chơi, vật dụng tự chế độc đáo và đầy sáng tạo của các giáo viên:
Nhiều món đồ chơi được tạo nên từ những lốp xe bỏ đi. |
Đến cả hàng rào cũng hoàn toàn có thể được trang trí bằng những chiếc lốp xe. |
Dự án phát triển giáo dục mầm non đã hỗ trợ nâng cấp chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc thiểu sổ tại Gia Lai bằng cách áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, xuyên suốt. Không chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục mầm non mà còn ở các lĩnh vực giáo dục cha mẹ về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ trẻ em.
Không chỉ hướng đến giáo dục trẻ mầm non... |
bằng sự hỗ trợ về các tài liệu, vật dụng, đồ chơi, phương pháp học tập... |
dự án cũng hướng tới giáo dục chính các cha mẹ về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ trẻ em. Trong ảnh là buổi gặp nhóm cha mẹ tại làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai. |
Dự án hiện đạt được các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số độ tuổi 0-8. Cụ thể, tác động tới gần 162,000 trẻ em, gần 10,000 giáo viên và cán bộ quản lý các trường mầm non và tiểu học tại Gia Lai.
Trong đó có việc xây dựng bộ giáo trình bậc mẫu giáo cho học sinh dân tộc thiểu số, xây dựng 18 trường mẫu giáo đạt tiêu chuẩn, 9 thư viện,….cùng nhiều kết quả khác.
Dự án đặc biệt tập trung tại các huyện Đak Pơ, An Khê, K’bang và Kông Chro, đồng thời nỗ lực nhân rộng mô hình giáo dục này trên toàn tỉnh Gia Lai.
Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam trao quà cho các học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. |
Đến thăm các trường mầm non và các em nhỏ, cha mẹ, giáo viên đã được hỗ trợ bởi dự án, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam chia sẻ:
“Tôi rất vui khi được tận mắt chứng kiến những cải thiện thực chất từ sự phối hợp giữa các bên mang tới cho trẻ em tại Gia Lai khi 90% phụ huynh đã chủ động giao tiếp với các trẻ từ 0-3 tuổi, và tỉ lệ học mầm non đã tăng từ 65% lên 98%. Nhờ đó, kết quả học tập trong các môn Toán và tiếng Việt cho các trẻ cấp một độ tuổi từ 6 đến 7 đã tăng rõ rệt”.
Đại sứ New Zealand cho rằng, những kết quả đó không chỉ là các con số mà chính là những cải thiện thực chất trong đời sống của các em nhỏ.
Bà cũng hy vọng lãnh đạo và người dân Gia Lai sẽ làm chủ và tiếp tục sử dụng những công cụ đào tạo và tiếp tục nhân rộng áp dụng trên toàn tỉnh, qua đó xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em.
Thanh Hùng