Đưa chương trình khám sức khỏe đến với mọi nhà
Suy yếu sức khỏe là điều không thể tránh khỏi với tuổi già. Lúc này, hệ xương, tim mạch, tiêu hóa,... đều có những dấu hiệu lão hóa cùng với tuổi tác, khiến sức khỏe bị suy giảm, chất lượng cuộc sống không tốt. Với những người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì điều này càng khó khăn hơn bởi đời sống còn vất vả, công tác chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, người dân vẫn chưa được tiếp cận với những dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu.
Hiểu được điều đó, tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức các chương trình khám chữa bệnh dành cho người cao tuổi ngay tại địa phương. Như trung tuần tháng 12 vừa qua, Bệnh viện Quân y 7B (Cục Hậu cần Quân khu 7) đã tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho hơn 100 người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đắk Lua, huyện Tân Phú - địa phương xa nhất của tỉnh Đồng Nai.
Có mặt tại Trung tâm Văn hoá thể thao và học tập cộng đồng xã Đắk Lua - nơi diễn ra buổi khám bệnh miễn phí của Bệnh viện Quân y 7 - có thể dễ dàng nhận thấy niềm vui lấp lánh trên gương mặt những người già nơi đây. Bởi họ đã không phải vất vả hay trì hoãn vượt quãng đường khoảng 50 km để đến với cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Theo thống kê, Đồng Nai có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh (chiếm 92% dân số), còn lại đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh, khoảng 200 nghìn người. Trong đó, 4 dân tộc bản địa là Chơ Ro, Mạ, STiêng và Cơ Ho; 3 dân tộc đã sinh sống lâu đời ở Đồng Nai là Hoa, Chăm và Khmer. Hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số có lượng đông dân nhất ở Đồng Nai là dân tộc Hoa, tiếp đến là các dân tộc Nùng, Chơ Ro, Tày, Khmer, Mường, Dao, Mạ, Chăm, STiêng, Sán Dìu, Cơ Ho, Thái, Thổ, Ê Đê, Sán Chay, Ngái, Raglay, Gia Rai, Lào, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ba Na... Tỉnh có 24 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025, 60% người cao tuổi vùng dân tộc thiểu số được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần mỗi năm. Công tác khám, sàng lọc các bệnh thường gặp (theo đặc điểm của từng vùng, từng miền) đối với người cao tuổi được thực hiện ngay tại địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi bằng chính ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số, khuyến khích người cao tuổi tham gia các tổ chức văn hóa lành mạnh của làng, xã để góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần.
Bên cạnh các hoạt động khám chữa bệnh, tỉnh Đồng Nai còn thường xuyên có chương trình trao quà tình nghĩa cho các thành viên cao tuổi ở cộng đồng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.
Những người cao tuổi nhiệt tình
Điều đặc biệt trong công tác chăm sóc người cao tuổi ở Đồng Nai là nhận được rất nhiều sự ủng hộ, chung tay của chính những người cao tuổi nhiệt thành khác.
Hai năm qua, những người cao tuổi trong Ban Trị sự Thất phủ cổ miếu Biên Hòa, Ban Liên lạc người Hoa Biên Hòa đều đặn tổ chức đi trao quà cho các cơ sở bảo trợ xã hội hay người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Khởi đầu là một hoạt động tự phát nhưng với mong muốn triển khai hiệu quả hơn, để những tấm lòng tốt có thể đến với những người cần thực sự, Ban trị sự đã phối hợp hành động với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai.
Đến nay, Ban trị sự duy trì thường niên việc trao 24 tấn gạo cho người khó khăn ở các địa phương, người cao tuổi thuộc gia đình chính sách, có công trong tỉnh và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.