Kiệt tác “Tiên lão giáng trần”
Trong đợt về xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội), chúng tôi được gặp gỡ những nghệ cây cảnh làm ra những tác phẩm nổi tiếng trong làng cây Việt. Gây tiếng vang lớn, làm “rung chuyển” làng cây bởi những giao dịch lên đến tiền tỷ trong thời gian ngắn.
Nổi bật nhất là cuộc giao dịch tác phẩm sanh cổ “Tiên lão giáng trần” với giá 16 tỷ đồng giữa anh Dương Văn Mười và anh Nguyễn Văn Chí. Sau vài tháng, anh Chí chuyện nhượng cho anh Phan Văn Toàn (TP. Việt Trì, Phú Thọ) với giá 28 tỷ đồng.
Gốc của cây “Tiên lão giáng trần” có tên “Thiên địa nhân hội tụ”. Hiện phần gốc do anh Mai Văn Tám sở hữu |
Anh Mai Văn Tám, xã Hồng Vân - ngưởi sở hữu gốc cây của cây 28 tỷ đồng đã giới thiệu về nguôn gốc, thời điểm cắt ngọn cho anh Dương Văn Mười đem về nhà tạo tác qua bài “Ngọn cây 28 tỷ đồng, vậy gốc cây giá bao nhiêu” mà chúng tôi đã đăng
Chúng tôi được anh Tám giới thiệu vào nhà anh Dương Văn Mười, người làm ra tác phẩm gây chấn động làng cây. Khi gặp mặt, điều gây ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một người đàn ông trung tuổi, ăn mặc giản dị, chất phác đúng chất của một người nông dân thực thụ.
Anh Dương Văn Mười (người đứng bên trong), thời điểm cây chưa chuyển nhượng cho anh Nguyễn Văn Chí |
Anh Mười say sưa kể về những tháng năm tạo tác cây cảnh, đặc biệt nhất anh vẫn kể nhiều nhất về tác phẩm “Tiên lão giáng trần” dù trong còn hiện diện trong vườn cây.
Đứng bên những cây sanh cổ thụ trong vườn, anh Mười nói về tác phẩm anh đã giành tâm huyết nhất: “Đó thực sự là một tác phẩm để đời, có lẽ trong đời làm cây khó có thể tạo tác được một cây thứ hai. Trong ngày chuyển nhượng cây cho anh Chí tôi đã bật khóc, đến tận bây giờ hình ảnh, dáng cây vẫn in đậm tron tâm trí. Nuối tiếc rất nhiều nhưng vì hoàn cảnh đành bán”
Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Thường Tín - cho biết: “Trong những năm tháng tạo tác cây, rất nhiều thời điểm khó khăn, tưởng chừng khó giữ lại được tác phẩm quý. Có những cái Tết trong nhà anh Mười không còn một đồng nào, phải đi vay tạm anh em, bạn bè lấy tiền tiêu Tết. Anh Mười thực sự rất yêu tác phẩm mới giữ được khi cây hoàn thiện mới bán”.
Tác phẩm sanh cổ nằm tại vườn nhà anh Nguyễn Văn Chí, hàng ngày có rất nhiều nghệ nhân, người yêu cây đến ngắm, chiêm ngưỡng, chụp ảnh |
Được biết cây cao gần 2m, đường kính bệ rễ gần 1,5m. Cây có tuổi đời khoảng 300 năm, có nguồn gốc từ Ninh Bình |
Nói về “đứa con” đã bán đi, anh Mười vẫn không giấu được xúc động, nhớ nhung: “10 năn gắn bó với cây, từ ngày cây được cắt ra từ một ngọn cây sanh cổ, mất nhiều đêm suy nghĩ lên ý tưởng. Sau đó bắt tay vào tạo tác, hàng ngày giành mọi tâm sức để có một tác phẩm để đời, những lúc đi xa rất nhớ cây, khi về nhìn thấy cây mọi mệt nhọc tan biết hết”.
Cuộc giao dịch “chấn động” làng cây
Khi được hỏi, anh bán cây với giá 16 tỷ đồng, sau vài tháng cây lên giá 28 tỷ đồng anh có hối tiếc, anh Mười chia sẻ, thực sự từ ngày đầu bán cây tôi đã không kìm nén được cảm xúc, đến bây giờ không ngày nào nhớ nhưng cây nhưng vì hoàn cảnh.
“Hiện tại tôi có hối tiếc những rất tự hào, vinh dự vì mình đã tạo ra được một tác phẩm để đời, được anh em, bạn bè trong giới chơi cây biết đến với niềm cảm phục” - anh Mười tâm sự.
Hình ảnh “rước cụ” về nhà anh Phan Văn Toàn tại TP Việt Trì (Phú Thọ), có rất nhiều người đến chia vui, chúc mừng |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Chí - người mua cây tác phẩm “Tiên lão giáng trần” của anh Mười với giá 16 tỷ đồng - chia sẻ: “Thực sự, để bỏ ra với một số tiền lớn như vậy mua một cây sanh rất khó khăn, nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng phải bán một số bất động sản, vay tiền để mua vì đây là tác phẩm rất quý, nó xứng đáng với số tiền đó”.
Cũng theo anh Chí, khi mua cây về để chơi chứ không bao giờ có ý định bán: “Ngày đưa tác phẩm về vườn tôi rất vui, vì mình đã sở hữu được một “báu vật”. Hằng ngày, có rất nhiều anh em trong giới đến chơi, ngắm cây. Mình phải yêu cây thì cây mới phù cho mình, ngắm mãi không thể dời”.
Tác phẩm sanh cổ nằm tại vườn nhà anh Nguyễn Văn Chí, hàng ngày có rất nhiều nghệ nhân, người yêu cây đến ngắm, chiêm ngưỡng, chụp ảnh |
Được biết, trong ngày anh Phan Văn Toàn đến hỏi mua, anh Chí vẫn chưa có ý định bán nhưng anh Toàn rất quyết tâm vì tình yêu cây cảnh cũng như vì làng cây Việt nên anh Chí đã nhượng lại cho anh Toàn với giá 28 tỷ đồng. Cuộc giao dịch làm “chấn động” làng cây bởi từ trước đến nay chưa có một cuộc giao dịch nào lớn như vậy
Trong ngày đến mua cây, anh Toàn cứ quanh quẩn đứng ngắm, ánh mắt hiện lên niềm vui sướng. Ngày “rước cụ” về đất Tổ (TP. Việt Trì, Phú Thọ) rất rầm rộ, khi xe đưa cây về tới đầu TP Việt Trì có cả một đoàn xe ra đón, ai cũng hân hoan chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc lịch sử, không bao giờ quên trong giới chơi cây cảnh Việt.
(Theo Dân Trí)