Chân dung Tập đoàn Khải Vy
Được biết Công ty CP Tập đoàn Khải Vy được thành lập ngày 15/5/2000 tiền thân là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải, có trụ sở chính tại 422 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, Quận 7, TP. HCM. Người sáng lập của tập đoàn này là ông Đoàn Văn Trang (sinh năm 1963) – bắt đầu sự nghiệp tại bộ phận kế toán của một công ty quốc doanh chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Tp. HCM.
Đến năm 1993 ông Trang bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh, mở xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ tại TP Quy Nhơn, sau đó mở rộng trở thành tập đoàn phát triển đa ngành.
Ông Đoàn Văn Trang – Chủ tịch Tập đoàn Khải Vy |
Thành viên thành lập nên Tập đoàn Khải Vy gồm 3 cá nhân: Ông Đoàn Văn Trang cùng vợ là Mai Thị Mai, ngoài ra còn có ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960). Trong đó vợ chồng ông Trang nắm giữ 98,5% cổ phần, còn lại 1,5% cổ phần là của ông Bảo với tổng vốn điều lệ của Tập đoàn lúc đó là 80 tỷ đồng.
Ban đầu, công ty này tập trung vào lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, sau đó vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 Tập đoàn Khải Vy đã lập thêm Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang nhằm mục đích đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114ha.
Dự án có tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa, cùng với đó Tập đoàn này cũng đầu tư 3 triệu USD vào lĩnh vực trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha.
Đến tháng 10 năm 2015 Tập đoàn Khải Vy đã khai trương Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới và Khách sạn MerPerle Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP. HCM), quy mô bao gồm 4 phòng tiệc cưới sức chứa hơn 1.500 khách, cùng 80 phòng khách sạn chuẩn 4 sao.
Với một tham vọng lớn hơn, vào năm 2017 Khải Vy bước đầu “lấn sân” sang lĩnh vực Bất động sản khi được UBND Tp. HCM chấp thuận làm Chủ đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, Quận 7, Tp. HCM). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự - nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng.
Đến tháng 6 năm 2019, Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM (HoREA) bất ngờ có công văn kiến nghị UBND Tp. HCM về vấn đề tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công của dự án “khủng” đầu tiên do Khải Vy Group làm chủ đầu tư. Theo đó Công ty CP Tập đoàn Khải Vy chưa được cấp sổ đỏ.
Vào tháng 10/2018, Tập đoàn Khải Vy còn nhận chuyển nhượng dự án Merperle Dalat Hotel (tên gọi cũ là khách sạn Sài Gòn Mới từ Công ty TNHH Đầu tư xây dựng - Thương mại Sài Gòn) tại địa chỉ số 1 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt.
Dự án này được quy hoạch xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 - 5 sao, gồm 10 tầng (không tính 2 tầng hầm), chiều cao không quá 43m; tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Quy mô diện tích đất thực hiện dự án lên đến hơn 11.758m2.
Tuy nhiên, tháng 11/2019, UBND TP. Đà Lạt đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Khải Vy 40 triệu đồng vì xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.
Tháng 5/2020 vừa qua, UBND TP Đà Lạt đã buộc Tập đoàn Khải Vy phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng không phép.
Tập đoàn Khải Vy bị xử phạt vi do hành vi xây dựng không phép tại dự án Merperle Đà Lạt Hotel số 1 Hùng Vương. |
Với những nốt thăng trầm như vậy, quy mô vốn điều lệ của Khải Vy cũng nhiều lần thay đổi. Từ đầu năm 2018 tới nay, vốn điều lệ của Công ty từ mức hơn 713,1 tỷ đồng giảm xuống còn 358,76 tỷ đồng. Ông Trang cũng thoái lui khỏi nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Khải Vy.
Người thay thế ông Trang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Khải Vy là ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960). Ông Bảo cũng đảm nhiệm vai trò đại diện cho nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" của Khải Vy như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khải Vy, Công ty Cổ phần Merperle Đà Lạt, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Duyên Hải.
Bị “siết nợ”, đấu giá hàng loạt tài sản
Với tham vọng trở thành “ông lớn” trong giới kinh doanh Bất động sản, từ năm 2010, Tập đoàn Khải Vy đã có nhiều khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài, trong đó dùng nhiều tài sản để thế chấp. Theo thông báo chính thức của BIDV thì tổng khoản dư nợ là 1.002,6 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 410 tỷ còn 592 tỷ là lãi suất.
Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại Phú Mỹ Hưng bị BIDV rao bán với giá 356 tỷ đồng. |
Đến tháng 10/2019, BIDV Phú Tài chính thức có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá các tài sản thế chấp của Tập đoàn Khải Vy để thu hồi nợ. Bao gồm:
Tài sản 1: Tòa nhà Crystal Palace (lô C17-1-2, Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Tp.HCM. Diện tích đất thương mại dịch vụ đã trả tiền sử dụng đất: 2.675 m2; Diện tích sàn: 15.471 m2, thời hạn sử dụng đất đến ngày 16/6/2058
Tài sản 2: Rừng trồng tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, bao gồm khoảng 525 ha cây keo lai, 16ha cây huỳnh đàn. Cây được trồng nhiều giai đoạn, tuổi cây trung bình từ 04 - 05 năm.
Tài sản 3: 06 xe ô tô các loại (02 xe BMW, 01 xe Fortuner, 01 xe Mitsubishi, 02 xe Blue Bird).
Tài sản 4: 02 cụm nhà xưởng và máy móc thiết bị sản xuất gỗ (không bao gồm quyền sử dụng đất) tại Khu công nghiệp Long Mỹ, Tp. Quy Nhơn, Bình Định.
+ Cụm nhà xưởng số 1, diện tích đất thuê 7,6ha đang hoạt động bình thường.
+ Cụm nhà xưởng số 2, diện tích đất thuê 10ha đang hoạt động bình thường.
Tài sản 5: Lô 8.749.433 cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang.
Tài sản 6: Quyền đòi nợ (khoản phải thu) với giá trị sổ sách tại thời điểm thế chấp tháng 07/2014 là 51.132 triệu đồng.
Ngày 18/9/2020 BIDV tiếp tục thông báo lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá các tài sản trên để thu hồi nợ.
(Theo Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)