Xem clip:

Thú cưng tí hon

Mệt mỏi sau ngày dài làm việc online, Thùy Vy (23 tuổi, Quận 6, TP.HCM) đến ngồi bên bể Terrarium (cây trồng trong bể thủy tinh) xanh mướt. Tuy nhiên, Vy không chăm cây. Cô đến ngắm bầy thú cưng tí hon, chỉ lớn bằng hạt đậu.

Đó là những con Isopoda (những loài giáp xác cơ thể nhỏ với 7 cặp chân giống nhau) được cô nhập về từ châu Âu. Vy biết đến thú chơi Isopoda không lâu. Tuy nhiên, cô tìm được sự thư giãn, giảm stress từ việc ngắm những con côn trùng bé tí trong chậu cây của mình.

Trong khi đó, Đoàn Quý Nhân (SN 1996, Tân Phú, TP.HCM) mê mẩn Isopoda sau lần đến Thái Lan du lịch. Những con bọ bé tí nhưng có màu sắc bắt mắt, cần mẫn dọn phần đất trong chậu cây khiến Nhân mê mẩn.

Hiện nay, một số người trẻ đang nuôi, sưu tầm các loại Isopoda làm thú cưng đặc biệt.

Nhân bắt đầu tìm hiểu và phát hiện đây là loại côn trùng được nhiều quốc gia trên thế giới nuôi làm thú cưng. Tại châu Âu, thú chơi này đặc biệt phát triển, thu hút người chơi ở nhiều lứa tuổi.

“Isopoda là loài thú cưng mới, rộ lên ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là châu Âu. Tại Việt Nam, Isopoda cũng thu hút nhiều người chơi, hình thành hội, nhóm với hàng ngàn thành viên tham gia”, Nhân nói.

Lê Đức Thịnh (30 tuổi, Tân Bình, TP.HCM) được xem là một trong những người có kinh nghiệm chơi Isopoda. Với Thịnh, Isopoda là những thú cưng vô cùng đáng yêu và sạch sẽ. Hơn thế, chúng mang lại cho anh sự thư giãn mỗi khi ngắm nhìn.

Chúng được người chơi đặt trong hũ, thùng nhựa trong suốt.

Thịnh nói: “Với tôi, Isopoda rất đẹp và vô cùng đáng yêu. Chúng không cắn, không mùi, không bệnh và cực kỳ sạch sẽ. Mỗi khi nhìn chúng cùng nhau làm sạch đất, di chuyển theo đàn… tôi cảm thấy rất thư giãn, thoải mái”.

Đầu tư cả trăm triệu đồng

Nhiều người chơi ví von Isopoda là những nhân viên vệ sinh mẫn cán. Cách gọi này xuất phát từ tập tính làm sạch đất, loại bỏ chất bẩn, xác động vật, vi sinh vật không tốt cho cây trồng của chúng.

Mặc dù có kích thước tí hon, chỉ từ 2-2,5cm nhưng Isopoda không hề rẻ tiền. Tùy vào màu sắc, kích thước, Isopoda có giá từ vài chục nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/con.

Hiện nay, người chơi chủ yếu tìm, nuôi các dòng Isopoda như: Cubaris, Armadillidium, Porcellio… Trong số này, Cubaris lemon blue, Cubaris ducky có màu sắc đẹp hơn cả.

Đức Thịnh cảm thấy thư giãn mỗi khi chơi cùng những thú cưng đặc biệt của mình.

Giá thành đắt đỏ, không hề dễ tìm nhưng Isopoda có sức hút lạ kỳ. Nhiều người chơi sẵn sàng dốc hầu bao để sở hữu bầy thú cưng tí hon với mức giá cao. Đức Thịnh là một ví dụ. 

Anh đang sở hữu các dòng Isopoda cao cấp với hơn 80% là hàng nhập ngoại. Tổng giá trị đàn Isopoda của nam thanh niên lên đến trên 100 triệu đồng.

Để chăm sóc những thú cưng tí hon, người chơi ngoài chuẩn bị hộp nuôi, đất sạch và gỗ mục còn phải có những kiến thức nhất định.

Nhân chia sẻ: “Isopoda rất dễ nuôi. Nhưng để chúng phát triển ổn định, chúng ta cần hiểu đặc tính của từng dòng.

Isopoda chỉ ăn gỗ, lá cây mục, xác trái cây, động vật... nên không gây ảnh hưởng cho người, vật nuôi.

Có dòng Isopoda thích môi trường bình thường, có dòng lại yêu cầu nhiệt độ nuôi thấp, độ ẩm cao. Vì vậy, nhiều người phải trang bị hộp nuôi có tích hợp thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm để kịp thời thay đổi nhiệt độ môi trường nuôi”.

Nhân cũng khẳng định, Isopoda là loại côn trùng hiền lành, không nguy hại cho con người, môi trường. Nam thanh niên nói: “Vòng đời của Isopoda khoảng 2 năm. 6 tháng tuổi, chúng đã có thể sinh sản. 

Hiện, chúng chủ yếu được nuôi làm cảnh, thú cưng và được nuôi nhốt trong hộp nhựa, bể terrarium… Nếu lọt ra ngoài tự nhiên, Isopoda cũng chỉ xử lý đất, xác động vật, gỗ, lá cây mục thôi chứ không gây nguy hại cho con người, vật nuôi, cây trồng”.