Trạm Y tế xã Thượng Nhật, Huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi tháng khám cho khoảng 180 – 200 lượt bệnh nhân trong xã. Các bệnh nhân đều thực hiện ngoại trú là chính. Trạm có 5 cán bộ nhân viên y tế. Lượng rác thải của trạm y tế phát sinh không cao. Trung bình chất thải thông thường khoảng 1 kg, chất thải nguy hại khoảng 0,6kg.

Dù chất thải ít nhưng trạm đều thực hiện phân loại ngay từ ban đầu vào thời điểm phát sinh chất thải và đưa vào dụng cụ, bao bì theo quy định. Trạm sử dụng lò đốt rác cũ của trạm xây trước đó không sử dụng để lưu trữ chất thải nguy hại, thu gom và đưa lên huyện xử lý. Còn chất thải rắn thông thường được trung tâm y tế huyện hợp đồng với UBND xã thu gom 2 lần/tuần. Trạm y tế xã Thượng Nhật chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế. Nước thải đều tự thấm chung với hầm tự hoại.

Tương tự, tại Trạm Y tế xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được xử lý như vậy.Mỗi tháng có từ 150 – 200 người bệnh tới khám và lấy thuốc.

chat thai y te.jpg
Các cơ sở y tế thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại. Ảnh: Hà My. 

Trung bình các chất thải lây nhiễm nguy hại phát sinh chỉ 1,4kg/tháng, chất thải thông thường khoảng 4kg.  Quá trình xử lý rác thải y tế cũng tương tự trạm y tế xã Thượng Nhật.

Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế hầu hết các trạm y tế đều quản lý thu gom rác thải tương tự như trên. Rác thải nguy hại từ trạm y tế sẽ thu về và xử lý theo mô hình cụm. 

Cụm 1  là Trung tâm y tế huyện A Lưới xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho các bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn huyện A Lưới.

Cụm Trung tâm y tế huyện Nam Đông sẽ chịu trách nhiệm xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho các bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn huyện Nam Đông.

Ngoài ra, các cơ sở y tế đã có hệ thống xử lý chất thải y tế được cấp phép tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được vận hành hệ thống để tự xử lý chất thải rắn y tế của đơn vị. Trường hợp hệ thống xử lý chất thải của đơn vị ngừng hoạt động, đơn vị phải thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phải chuyển giao, xử lý chất thải rắn y tế.

Theo Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được ban hành năm 2023, chất thải rắn y tế phải được phân định thành chất thải rắn thông thường và chất thải rắn y tế nguy hại, việc phân định chất thải rắn y tế theo quy định tại Điều 4 Thông tư 20 của Bộ Y tế. 

Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định, không làm thất thoát chất thải ra bên ngoài. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn được tập trung xử lý tại các cụm, hạn chế việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Y tế  chủ trì, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phân loại chất thải tại nguồn, thu gom chất thải, vệ sinh môi trường tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải rắn y tế tại khuôn viên cơ sở y tế.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cử cán bộ chuyên trách xử lý về chất thải, tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về chất thải y tế như các nội dung khái niệm chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, quá trình thu gom chất thải y tế; cách phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, giảm thiểu, tái chế, bàn giao chất thải y tế đúng quy định…
 Hà My