Đức bất ngờ lên tiếng phản đối, châu Âu hoãn thông qua luật cấm ô tô truyền thống 

Đức – Quốc gia có tiếng nói hàng đầu Liên minh châu Âu bất ngờ lên tiếng phản đối đạo luật khí thải, trong đó đề ra quy định cấm phân phối và sản xuất ô tô động cơ đốt trong trên toàn lãnh thổ khối từ năm 2035, đã khiến cho cuộc bỏ phiếu lập tức bị trì hoãn. 

Ông Volker Wissing – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đức đã phát biểu trước cơ quan Quốc hội tại thủ đô Berlin vào tuần trước, rằng: “Thật mâu thuẫn khi EU một mặt kêu gọi mục tiêu bảo vệ khí hậu, một mặt lại tự khiến cho khả năng đạt được những mục tiêu này khó khăn hơn thông qua các quy định quá tham vọng.” 

Ủy ban châu Âu đã trì hoãn cuộc họp thông qua đạo luật khí thải mới 

Còn theo ông Daniel Holmberg – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thụy Điển, quốc gia đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên của Ủy ban châu Âu, đã xác nhận trên Twitter rằng cuộc bỏ phiếu về đạo luật sẽ được trì hoãn tới “thời điểm phù hợp”.

Việc tạm thời dừng kế hoạch thông qua đạo luật về khí thải và cấm ô tô truyền thống của châu Âu được nhiều chuyên gia đánh giá rằng, những nhà lập pháp sợ một lá phiếu trắng từ đại diện Đức, điều đó sẽ ảnh hưởng chung tới quyết định của EU. 

Giải pháp ổn thỏa cho một châu Âu “không khói” 2035 mà không cần loại bỏ hoàn toàn ô tô truyền thống 

Có thể nói rằng, sự việc Đức “quay xe” trong vấn đề cấm ô tô truyền thống tại châu Âu được lý giải rằng, đã có biện pháp hiệu quả và chi phí thấp hơn so với điện khí hóa ngành xe hơi đã được đề ra – đó là giải pháp “nhiên liệu điện tử”.

Đức mong muốn rằng, sau năm 2035, ô tô động cơ đốt trong truyền thống vẫn có thể được sản xuất và phân phối trên lãnh thổ EU nhờ ứng dụng nhiên liệu điện tử. Xe hơi sử dụng loại năng lượng này cũng sẽ không phát thải khí CO2 như xe điện, đảm bảo quy định về môi trường của Ủy ban châu Âu. 

Nhiên liệu điện tử là một loại nhiên liệu kiểu mới, được tạo ra bằng cách sử dụng Hydro tổng hợp từ nguồn nước và điện tái tạo, kết hợp cùng CO2 được sản sinh ra từ quá trình phát thải của nhà máy, xí nghiệp, phương tiện để tạo nên một loại nhiên liệu tương tự như xăng, dầu diesel hay dầu hỏa. 

Ô tô Đức trên đường đi xuất khẩu. Ảnh: Volkswagen

Tổng quan có nghĩa là, nhiên liệu điện tử được chế tạo từ chính khí CO2 mà các phương tiện phát thải ra môi trường, với số lượng thu vào để sản xuất bằng số lượng thải ra. Tạo nên một sự trung hòa về CO2. 

Phương án này được Italy và Đức cực kỳ ủng hộ và có thể xem như một giải pháp thay thế rẻ tiền cho điện khí hóa. Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận những công dụng và lợi ích to lớn mà ô tô điện mang lại và nó chính là xu thế hiện nay của thị trường. Song, nếu quá vội vàng “khai tử” ngành công nghiệp ô tô truyền thống thì ngành ô tô châu Âu chắc chắn sẽ gặp rắc rối lớn và chịu những tổn thất không nhỏ. 

Dù chưa chính thức thông qua, nhưng việc cắt giảm 3.800 nhân lực làm việc, chủ yếu tại Đức và Anh của Ford châu Âu để chuyển sang sản xuất xe điện, đóng cửa dây chuyền sản xuất ô tô xăng đã khiến cho các nhà quan sát lập tức nhận ra vấn đề nếu sớm từ bỏ động cơ đốt trong. 

Tuy nhiên, giải pháp sử dụng nhiên liệu điện tử tại châu Âu cũng vấp phải nhiều nghi ngờ, khi mà giá thành loại nhiên liệu này trên thị trường hiện nay không hề rẻ một chút nào, cũng như đang rất khan hiếm.

Nếu trong một vài năm tới, phương án này không thể đạt được mức hiệu quả như những chính trị gia mong đợi, có lẽ Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục đặt lên bàn cân phương án ngừng sản xuất và phân phối ô tô truyền thống. 

Hùng Dũng (theo Autonews)

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!