Những nhà sưu tập xe giàu có sẽ cảm thấy phấn khích trước thông tin Liên minh châu Âu miễn trừ lệnh cấm phát thải CO2 từ các phương tiện mới với các nhà sản xuất ô tô có số lượng xe xuất xưởng rất ít.

Việc chuyển đổi sang phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện hoặc nhiên liệu tổng hợp luôn là thách thức lớn đối với các thương hiệu như Bugatti, Koenigsegg và Pagani – những công ty sản xuất một số mẫu siêu xe đặc biệt có công suất cao chủ yếu dựa vào động cơ đốt trong dung tích lớn.

Vì vậy, theo tuyên bố chính thức từ Nghị viện châu Âu, các hãng xe sản xuất ít hơn 1.000 xe mới mỗi năm thuộc diện miễn trừ trong quy định này.

Bugatti – công ty của Pháp với truyền thống chế tạo các phương tiện có hiệu suất cao – chỉ sản xuất 80 chiếc xe vào năm 2022, bao gồm cả chiếc Chiron thứ 400. Điều đó giúp nhà sản xuất ô tô nước Pháp dễ dàng lọt vào danh sách hãng xe sản xuất dưới 1.000 chiếc/năm và có thể tiếp tục được bán megacar với động cơ xăng sau năm 2035 ở châu Âu.

Việc này trước đó đã được Mate Rimac – CEO của liên doanh Bugatti-Rimac – chia sẻ vào năm 2022, khi vị doanh nhân người Croatia nói rằng một chiếc Bugatti chạy điện sẽ không xuất hiện trong thập kỷ tới.

Đơn cử như mẫu CC850 mới của Koenigsegg được ra mắt vào năm ngoái, sử dụng động cơ V8 tăng áp kép 5.0 lít tạo ra 1.363 mã lực và chỉ sản xuất giới hạn 70 chiếc. Dù vậy, Koenigsegg cũng chỉ sản xuất khoảng 35 chiếc/năm, vì vậy thương hiệu hypercar/megacar của Thụy Điển còn cách rất xa mốc 1.000 chiếc so với Bugatti.

Về mặt lý thuyết, Bugatti và Koenigsegg có thể tiếp tục chế tạo và bán động cơ đốt trong gây ô nhiễm trực tiếp ở châu Âu, song không có nghĩa là họ sẽ không đầu tư vào các giải pháp xanh hơn. Một điểm cộng có lợi cho Koenigsegg là nhiều động cơ của hãng có thể chạy bằng xăng E85, đốt cháy sạch hơn nhiều so với xăng truyền thống.

Đối với Bugatti, “người kế nhiệm” cho Chiron dùng hệ truyền động hybrid dự kiến ​​sẽ ra mắt vào năm 2027 và có mối liên kết giữa liên doanh Bugatti-Rimac với Porsche. Điều đó đồng nghĩa với việc hãng xe Pháp có thể dễ dàng tận dụng công nghệ eFuel của thương hiệu ngựa chồm Đức sau này khi vấn đề đó trở nên khả thi hơn.

Pagani thậm chí chưa xuất xưởng quá 500 chiếc xe kể từ khi thành lập, vì vậy hãng xe Ý cũng lọt vào danh sách những nhà sản xuất ô tô không bị cấm vào năm 2035 theo các quy định hiện hành.

Có khả năng các thương hiệu này sẽ tăng sản lượng nhiều hơn trong 12 năm tới, nhưng chắc chắn nhà điều hành của hãng đủ khôn ngoan để giảm sản lượng dưới ngưỡng 1.000 xe/năm.

Một số thương hiệu ô tô nhỏ khác ở Anh như Morgan, BAC và Ginetta cũng sẽ được miễn lệnh cấm tới năm 2035 do số lượng xe được sản xuất khá ít. Thông tin này do trang Autocar công bố thời gian qua. Nhờ Brexit, những thương hiệu này cũng được miễn trừ khỏi các quy định mới ở Vương quốc Anh cho đến thời điểm hiện tại.

“Điều này chắc chắn sẽ mở ra nhiều cánh cửa hơn cho chúng tôi.” – Neill Briggs, đồng sáng lập BAC, cho biết về việc miễn trừ lệnh cấm ở EU. Đại diện của các nhà sản xuất ô tô nhỏ khác ở Anh cũng bày tỏ quan điểm tương tự, bởi họ sẽ có thể tiếp tục xuất khẩu một lượng nhỏ ô tô sang châu Âu.

Việc Bugatti, Koenigsegg hay Pagani được tiếp tục sản xuất động cơ đốt trong sẽ tạo điều kiện cho những dân chơi xe chịu chi tại Việt Nam đưa về nước một số mẫu xe bản giới hạn trị giá hàng triệu đô.

Hiện nay, đại gia Việt đã mang về nước một chiếc Bugatti Veyron, không dưới 2 chiếc Koenigsegg (Regera và CCX) và một chiếc Pagani Huayra với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng.

Tiến Dũng (Theo CarBuzz)

Khai tử xe động cơ đốt trong: Xu hướng tất yếu

Khai tử xe động cơ đốt trong: Xu hướng tất yếu

Công nghệ động cơ đốt trong đã tới ngưỡng giới hạn cùng những yêu cầu tiêu chuẩn khí thải ngày càng trở nên nghiêm ngặt. Bởi vậy, lựa chọn phát triển xe điện được xem là giải pháp cứu cánh tốt nhất vào lúc này.