Mức thuế mới sẽ áp dụng đối với các công ty kỹ thuật số có thu nhập toàn cầu hơn 750 triệu euro (848 triệu USD) và thu nhập tại Pháp đạt trên 25 triệu euro.

Pháp sẽ là nước châu Âu đầu tiên áp dụng loại thuế trên nếu dự luật này được Quốc hội thông qua trong vài tháng tới.

Pháp đã quyết định đánh thuế kỹ thuật số sau khi một đề xuất tương tự tại EU không nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên.

Ông Le Maire cho biết ông dự định thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế trong năm nay giữa các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Dự luật trên được xem là một cách để giải quyết tình trạng các công ty đa quốc gia trốn thuế. Cho đến hiện nay, các công ty đó nộp thuế tại quốc gia Liên minh châu Âu (EU) mà họ đặt trụ sở với mức rất thấp, và không phải trả thuế tại các quốc gia mà họ đang hoạt động mạnh.

{keywords}
Các công ty công nghệ sẽ bị đánh thuế tại châu Âu

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết cách đánh thuế này được sẽ giúp bảo vệ các công ty khởi nghiệp.

Theo ông, ước tính thuế mới sẽ giúp thu về 500 triệu euro/năm trong năm nay, nhưng con số này sẽ tăng lên "nhanh chóng".

Khoảng 30 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động dựa nhiều vào mạng Internet toàn cầu, mà hầu hết có trụ sở tại Mỹ song có cả ở châu Âu và Trung Quốc, sẽ là đối tượng bị điều chỉnh bởi dự luật này.

Tuy nhiên, mức thuế mới sẽ không ảnh hưởng tới các công ty trực tiếp bán sản phẩm trên mạng Internet.

Chủ yếu các công ty sử dụng dữ liệu của người dùng để bán quảng cáo trực tuyến sẽ bị đánh thuế. Mức thuế mới cũng sẽ áp dụng với các công ty dịch vụ trực tuyến như Airbnb và Uber.

Bộ trưởng Le Maire khẳng định: "Đây là vấn đề công bằng. Các 'gã khổng lồ' kỹ thuật số sử dụng dữ liệu cá nhân, thu lời lớn từ các dữ liệu này, sau đó chuyển tiền đi nơi khác mà không phải trả thuế một cách tương xứng".

Ông Le Maire dẫn số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy các công ty công nghệ kỹ thuật số lớn nộp thuế ít hơn các công ty khác ở châu Âu trung bình 14 điểm phần trăm.

Pháp đã nỗ lực thúc đẩy thông qua cái gọi là "thuế GAFA" - được đặt theo chữ cái đầu của bốn cái tên nổi tiếng Google, Apple, Facebook và Amazon - nhằm đảm bảo các “đại gia” Internet toàn cầu chi trả mức thuế hợp lý cho các hoạt động kinh doanh khổng lồ của họ tại thị trường châu Âu.

Bộ trưởng Le Maire nói rằng việc áp thuế công nghệ trên toàn châu Âu cũng có thể diễn ra vào cuối tháng 3/2019, sau khi các nước đã đi đến một thỏa hiệp hồi tháng 12/2018 với Đức và Pháp về vấn đề này.

Theo kế hoạch mới nhất do Pháp và Đức đề xuất, các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ lớn sẽ chịu mức thuế 3% đối với doanh thu từ quảng cáo, mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn nhất.

Hiện nay, Google và Facebook đang thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến tại châu Âu. Đề xuất thuế trên cần nhận được ủng hộ của 28 thành viên EU.

Tuy nhiên một số quốc gia có mức thuế thấp và đang hưởng lợi nhờ hoạt động chốt lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ lại tỏ ra khá dè dặt về dự luật này.

Trước đó, Chính phủ Áo hồi đầu năm nay cũng đã công bố thông tin chi tiết kế hoạch đánh thuế 3% doanh thu quảng cáo đối với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn có hoạt động dựa vào mạng Internet lớn như Amazon, Google, Facebook và Alibaba, cáo buộc các “ông lớn” này đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính một cách công bằng.

Bộ trưởng Tài chính Áo cho biết thuế này sẽ áp dụng với các công ty có doanh thu trên toàn cầu đạt 750 triệu euro (864 triệu USD) mỗi năm và doanh thu ở Áo đạt 10 triệu euro/năm.

Vị quan chức này cho cho biết Áo sẽ đợi đến cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Ba trước khi thực thi kế hoạch này.

Tuy nhiên, nếu cuộc họp sắp tới đó không đạt được đồng thuận chính trị về một mức thuế kỹ thuật số ở châu Âu thì Áo sẽ thực hiện kế hoạch đánh thuế nêu trên ở cấp quốc gia, vì chính phủ nước này không muốn trì hoãn lâu hơn nữa.

Theo TTXVN

Google, Facebook, Apple và Amazon sẽ sớm bị Pháp đánh thuế

Google, Facebook, Apple và Amazon sẽ sớm bị Pháp đánh thuế

Các tập đoàn công nghệ của Mỹ bao gồm Google, Facebook, Apple và Amazon sẽ bị Pháp đánh thuế ngay đầu năm 2019 tới.