Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mưa lớn kèm nước sông Hương vượt mức báo động 3 đã khiến 80% tuyến đường của 36 phường, xã ở TP Huế bị ngập.
Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan… ngập bình quân 0,8 - 1,2m. Các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Tố Hữu… ngập bình quân 0,5 - 1m.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, nước lũ dâng cao khiến việc đi lại của người dân tại khu vực trung tâm TP Huế gặp rất nhiều khó khăn. Để phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, nhiều người chọn cách lội bộ trong dòng lũ hoặc thuê ghe, thuyền “bơi” giữa phố.
Anh Nguyễn Nam – một chủ ghe, thuyền trú tại phường Vỹ Dạ cho biết, nắm bắt thông tin mưa lũ, tối 14/11, anh cùng vợ đã chủ động di chuyển chiếc thuyền máy của mình lên trung tâm thành phố.
“Chúng tôi đã có kinh nghiệm sau khi trải qua nhiều đợt lũ lụt. Khi nước lũ dâng cao, người dân không thể chạy ôtô hay xe máy thì ghe, thuyền là phương tiện họ cần đến”, anh Nam chia sẻ.
Theo anh Nam, nhu cầu của người dân thuê thuyền, ghe để đi lại trong những ngày bị nước lũ chia cắt rất lớn. Chính vì vậy, anh cùng với vợ tranh thủ thời gian, chạy ghe rong ruổi các con đường, hẻm kiệt để đón khách.
“Vừa giúp đỡ người dân, vợ chồng tôi cũng vừa kiếm được tiền triệu từ dịch vụ này”, anh Nam nói.
Dịch vụ kiếm tiền triệu
Theo quan sát của PV, mặc dù đến sáng 15/11, trên địa bàn trung tâm TP Huế nước lũ mới dâng cao nhưng tại các trục đường chính như ngã tư Hùng Vương – Bà Triệu – Nguyễn Huệ, đường Tố Hữu, khu vực ngã 6… đã xuất hiện hàng chục chủ ghe.
Nhu cầu của người dân đi mua sắm, đến công sở làm việc nhiều nhưng không phải ai cũng chấp nhận thuê thuyền, ghe để đi lại bởi giá dịch vụ khá “chát”.
Do lũ dâng nhanh bất ngờ khiến chung cư bị nước lũ bủa vây, trưa 15/11, anh Nguyễn Quang Tùng xuống sảnh chung cư với ý định thuê ghe để lên trung tâm thương mại mua thực phẩm.
Quãng đường từ chung cư nơi anh Tùng ở đến trung tâm thương mại tại Hùng Vương – Bà Triệu chỉ khoảng 2km, tuy nhiên anh Tùng giật mình khi người chủ ghe báo giá 400 ngàn đồng/lượt nên anh không đồng ý đi.
Ít phút sau, một chiếc ghe khác chạy qua, anh hỏi thì được báo giá 200 ngàn đồng/lượt nên vui vẻ thuê ghe để đi mua thực phẩm. Hiển nhiên, trên chiếc ghe của người chủ lúc này đã có nhiều người, không còn chỗ ngồi.
Chia sẻ với VietNamNet, một chủ ghe cho biết, với những người dân làm nghề sông nước, dịch vụ “chạy ghe giữa phố” mỗi năm chỉ được một vài lần nên ai cũng muốn tranh thủ làm.
“Không có giá cố định nào cho dịch vụ dùng ghe chở thuê trong mùa mưa lũ cả mà tuỳ thuộc vào “cái tâm” của từng người.
Hầu hết, trước khi khách lên ghe, tôi thường báo giá trước và nếu đồng ý thì tôi chở chứ không chặt chém gì.
Mỗi chuyến chở khoảng 4 – 5 người, mỗi ngày vợ chồng tôi cũng có thu nhập 5 - 6 triệu đồng”, chủ ghe này tâm sự.