Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/9/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, nguồn thủy ngân phát tán ra, theo báo cáo của Công ty cổ phần Phích nước, bóng đèn Rạng Đông (dưới đây viết tắt Công ty Rạng Đông) là 15,1kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, khối lượng thủy ngân phát tán ra là 27,2kg.

Ông Võ Tuấn Nhân cũng đã công bố kết quả phân tích mẫu đất, nước của các cơ quan liên quan, khi so sánh giá trị nồng độ thủy ngân (Hg) với các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường:

Có 12/13 mẫu trầm tích vượt mẫu quy chuẩn tại điểm quan trắc sông Tô Lịch, cách cống gom xả nước thải nhỏ ngõ 320 Khương Đình vượt tới trên 6 lần; có 1 mẫu không khí vượt quy chuẩn trong khuôn viên bị cháy ở công ty…

Cũng theo ông Nhân, nếu so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Âu, Mỹ và Canada cho thấy: Trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp thụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

{keywords}
Chủ tịch phường Hạ Đình phải kiểm điểm trách nhiệm hay Chủ tịch quận Thanh Xuân phải kiểm điểm trách nhiệm trong xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông? Ảnh: Trần Thường

Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty phía trước khu cháy (trạm ôxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR (Mỹ) từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).

Ông Võ Tuấn Nhân khẳng định: "Vụ cháy nổ ra tại Công ty là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, ảnh hưởng sức khoẻ con người ở mức độ trung bình, tuy nhiên gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng trầm tích, tác động đến sức khoẻ con người, phát tán môi trường không khí nước, lắng đọng nước và chảy vào sông Tô Lịch. Phạm vi vùng có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng xấu sức khoẻ người dân khoảng cách bán kính 500m”.

Kết quả công bố trên đây của Bộ cho thấy, Thông báo của UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày 29/8/2019, về việc khuyến cáo nhân nhân phòng tránh độc hại và xử lý vệ sinh môi trường sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông là hoàn toàn phù hợp và rất kịp thời.

Qua đó cho thấy lãnh đạo phường Hạ Đình không chỉ rất có ý thức và kiến thức ứng phó, phòng ngừa khi có sự cố về môi trường mà còn rất nhanh nhạy, rất trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, chiều ngày 30/8/2019, UBND quận Thanh Xuân phát thông báo: “Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông để xem còn hay không yếu tố độc hại. Trung tâm đã lấy các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất để phân tích trong phòng thí nghiệm. Kết quả phân tích nhanh các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi…cho thấy ở mức độ bình thường”.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân còn cung cấp thêm cho người dân: “thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế các chỉ số như: Thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh thì kết quả cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.” Thật nực cười là đến tối cùng ngày, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã lên tiếng phủ nhận thông tin "an toàn" mà quận Thanh Xuân thông báo. [1]

Không chỉ có vậy, UBND quận Thanh Xuân còn yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản cảnh báo nhân dân về ô nhiễm môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, đồng thời yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch UBND phường vì đã ra văn bản khuyến cáo không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận.

Đánh giá về cách xử lý vấn đề trên đây của UBND quận Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Qua sự việc, chúng ta thấy rằng UBND phường Hạ Đình đã phản ứng rất nhạy cảm với vấn đề. Và việc UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi cảnh báo và đề nghị kiểm điểm lãnh đạo phường vì ra thông báo cảnh báo người dân là vô trách nhiệm, chưa cần nói đến là sai luật”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng: “Rõ ràng, chính quyền Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo không kịp thời, thiếu đi những biện pháp để xử lý hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân”.

Phó ban Dân nguyện Quốc hội phân tích: “Trong việc này, lẽ ra Thành phố phải có trách nhiệm nhưng lại không làm. Thậm chí khi người ta làm có trách nhiệm thì lại lờ đi không bênh vực, cũng không công khai thông tin. Vì thế, dư luận có quyền đặt dấu hỏi về việc Thành phố bao che cho quận Thanh Xuân - đơn vị liên quan trực tiếp nhưng cũng chưa có động thái kịp thời ứng phó với sự cố.”

Từ cung cách xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, có thể khẳng định nếu như lãnh đạo phường Hạ Đình rất có ý thức, kiến thức ứng phó, phòng ngừa khi có sự cố về môi trường; và cũng  rất nhanh nhạy, trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, thì ngược lại từ lãnh đạo quận Thanh Xuân đến lãnh đạo TP. Hà Nội đều thiếu năng lực, thiếu kiến thức, thiếu nhanh nhạy và nhất là thiếu trách nhiệm với nhân dân.

Trong khi đó theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân “…đây là sự cố gây cháy nổ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của TP. Hà Nội.”

Cũng may là ô nhiễm môi trường do cháy tại Công ty Rạng Đông chưa đến mức nghiêm trọng. Nếu đó là một thảm họa về môi trường, với phương cách xử lý của lãnh đạo quận Thanh Xuân và lãnh đạo TP. Hà Nội thì chắc chắn người dân sẽ gánh chịu hậu quả khó lường.

Qua diễn biến của sự việc trên đây cho thấy điều trớ trêu, đó là lãnh đạo phường Hạ Đình rất nhanh nhạy trong xử lý sự cố và rất trách nhiệm với nhân dân thì bị lãnh đạo quận Thanh Xuân yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm.

Còn lãnh đạo quận Thanh Xuân có biểu hiện bưng bít sự thật, năng lực xử lý sự cố ô yếu kém, thiếu trách nhiệm với sức khỏe và tính mạng của người dân nhưng do “bình tĩnh” và thực hiện nhiệm vụ đúng “thẩm quyền”, đúng “quy trình” nên không hề bị lãnh đạo TP. Hà Nội nhắc nhở.

Thử hỏi với cung cách trên đây, trong xử lý những công việc hệ trọng, những tình huống đột xuất liệu cán bộ có dám thực hiện khẩu hiệu: “Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”?

Chủ tịch phường Hạ Đình phải kiểm điểm trách nhiệm hay Chủ tịch quận Thanh Xuân phải kiểm điểm trách nhiệm trong xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông? Hay còn những ai khác?

Nguyễn Huy Viện

Tài liệu tham khảo:

[1].https://thanhnien.vn/thoi- su/su-co-chay-cong-ty-rang- dong-chinh-quyen-ha-noi-da-vo- trach-nhiem-nhu-the-nao- 1122221.html