Chè là một món ăn quen thuộc của người Việt, có mặt ở khắp 3 miền. Ở mỗi nơi, chè lại được chế biến theo nhiều cách khác nhau, đa dạng từ nguyên liệu đến hương vị.

Huế cũng được xem là một trong những “thủ phủ” của các loại chè độc đáo. Thậm chí, có những món chè lạ miệng, thực khách chỉ có thể thưởng thức ở vùng cố đô. Đó chính là chè heo quay.

Huế nổi tiếng với những món chè độc đáo, đa dạng màu sắc và nguyên liệu, hương vị, trong đó có chè heo quay (Ảnh: Thiên Đức).

Chè heo quay thực chất là những viên bột lọc bọc thịt heo quay. Thoạt đầu mới nghe tên, nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên và có phần hoang mang bởi chè và thịt quay vốn là hai món ngọt, mặn, không có sự liên quan đến nhau.

Tuy nhiên, người Huế có thói quen ăn uống rất tinh tế nên sự kết hợp trong món ăn không phải ngẫu nhiên mà ẩn chứa cả triết lý âm dương, ngũ hành. Món chè heo quay cũng vậy, nghe lạ lẫm nhưng ăn kèm với nhau lại tạo nên hương vị rất riêng, chiều lòng được cả những vị khách khó tính.

Sự kết hợp giữa chè và thịt quay tưởng chừng lạ lùng nhưng lại tạo nên một món ăn có hương vị độc đáo, được đông đảo người địa phương và du khách khắp nơi yêu thích (Ảnh: @bun.lif).

Đúng như tên gọi, món chè này gồm phần vỏ làm từ bột lọc và phần nhân là thịt heo quay. Dù được làm từ hai nguyên liệu dân dã, dễ mua nhưng để món chè chuẩn vị ngon đòi hỏi người chế biến cần có sự kỳ công, khéo léo.

Đầu tiên, thịt heo phải chọn miếng ba chỉ, có chút mỡ pha với nạc để phần nhân khi chế biến sẽ có độ mềm, béo ngậy và không bị quá khô. Thịt được sơ chế sạch, đem quay hoặc chiên cho giòn bì, sau đó thái thành các miếng vuông vắn, lớn hơn hạt lựu một chút.

Tiếp tục ướp thịt đã thái nhỏ với muối, đường, nước gừng. Chờ vài tiếng cho thịt ngấm đều các loại gia vị rồi đem rim trên bếp nhỏ lửa. Khi nước dần cạn, thịt se lại và dậy mùi thơm thì múc ra đĩa, để nguội.

Nguyên liệu làm món chè bột lọc heo quay khá đơn giản (Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo).
Thịt quay thái nhỏ, rim chua ngọt, có màu ngả vàng rất hấp dẫn (Ảnh: Uyên Thi).

Ở một số quán, sau khi rim thịt, người ta còn hong phơi thêm cho thịt trong hơn rồi trộn với chút ngũ vị hương để thịt có mùi đặc trưng và màu sắc bắt mắt. 

Về phần vỏ, phải chọn bột lọc loại ngon rồi đem nhào với nước ấm cho đến khi thu được hỗn hợp bột dẻo, mịn, sờ không dính tay. 

Bột lọc nhào đều tay sao cho thật dẻo, mịn rồi viên tròn vừa ăn (Ảnh: Nguyễn Khánh Linh).

Sau đó, ngắt bột đã nhào thành các phần nhỏ để chuẩn bị bọc nhân thịt quay. Đặt miếng thịt vào giữa miếng bột lọc, viên thành hình tròn sao cho lớp vỏ bọc kín phần nhân, không bị bục hay rách. Công đoạn này cũng cần thực hiện đều tay để không làm hở miếng thịt. 

Ngoài ra, bột phải lấy lượng vừa đủ vì mỏng quá thì viên chè dễ nứt vỡ khi luộc, còn nếu quá dày bột thì ăn sẽ bị dai.

Cuối cùng là bước sên nước đường. Người Huế sử dụng đường phèn, cho vào nồi đun lửa nhỏ. Khi thấy đường ngả màu vàng cánh gián thì đổ thêm nước lọc. Chờ hỗn hợp sôi rồi thả lần lượt từng viên bột lọc vào sao cho thật nhẹ nhàng. 

Thịt thái nhỏ, còn phần vỏ phải lấy lượng bột vừa đủ để khi chè chín sẽ có màu trong veo, ẩn hiện cả màu hổ phách của thịt quay bên trong (Ảnh: Chè ngon ĐN).
Chè heo quay thưởng thức nóng hay lạnh đều ngon, tùy sở thích của từng thực khách (Ảnh: Chè ngon ĐN).

Đun vài phút, thấy viên bột chín dần, chuyển màu trong và nổi lên thì vớt ra. Tùy vào khẩu vị và sở thích từng nơi mà người ta còn cho thêm gừng và lá nếp (lá dứa) vào hỗn hợp nước đường, giúp món chè dậy mùi thơm hấp dẫn.

Khi khách gọi món, người bán mới múc viên bột lọc ra bát hoặc cốc rồi chan thêm nước đường. Nhiều người thích ăn chè nóng sẽ bỏ thêm vài lát gừng và rắc mè rang lên trên. Một số khác lại thích thưởng thức món này với đá lạnh như một thức quà giải nhiệt mùa hè.

Lớp vỏ dai giòn, phần nhân béo ngậy, mằn mặn cùng nước đường ngọt thanh và vài lát gừng thơm tạo nên món ăn có hương vị “độc nhất vô nhị” (Ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo).

Mỗi cốc chè heo quay có giá từ 10.000 - 15.000 đồng với 4-5 viên bột lọc, không quá nhiều nhưng đủ để thực khách cảm nhận được hương vị lạ miệng của món ăn. 

Xúc một miếng chè heo quay, cho vào miệng và nhai thật chậm rãi, thực khách sẽ thấy vị dai dai giòn giòn của bột lọc hòa quyện với miếng thịt mằn mặn, béo ngậy và chút nước đường ngọt thanh. 

Trước đây, món ăn này thường được xuất hiện trong những dịp giỗ chạp, đám tiệc của người dân địa phương vì heo quay thường có trong mâm cỗ. Lâu dần chè heo quay được làm phổ biến hơn và trở thành món ngon hút khách ở xứ Huế (Ảnh: Phuong Huynh).
Với những người lần đầu thưởng thức chè heo quay, thật không dễ để hài lòng với thứ hương vị lạ lẫm nhưng khi đã quen rồi sẽ cảm thấy mê đắm thức quà vùng cố đô (Ảnh: @uyentrinh.0112).

Bạn Thúy Hằng (ở Hà Nội) từng vài lần ghé thăm Huế và lần nào cũng dành thời gian thưởng thức món chè trứ danh. Hằng nhận xét, ở Huế có hàng chục món chè khác nhau song chè heo quay có hương vị đặc biệt nhất.

“Chè ở Huế rất đa dạng, từ màu sắc, nguyên liệu đến cách chế biến. Tuy nhiên, chè heo quay lại lạ miệng hơn cả bởi sự kết hợp giữa vị mặn và ngọt, vốn tưởng không liên quan đến nhau. 

Mình cũng từng thử chè heo quay ở một vài nơi, cả ngoài Hà Nội nhưng không thấy nơi đâu ngon bằng chè của vùng cố đô. Vị dai giòn của bột lọc, vị mặn, béo của thịt quay và vị ngọt thanh của nước đường hòa tan với nhau khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi”, nữ du khách 27 tuổi chia sẻ.

Tới Huế, du khách dễ dàng tìm kiếm món chè này vì hầu như quán chè nào cũng có. Thậm chí trên những xe đẩy hàng rong hay quán vỉa hè cũng bán chè heo quay (Ảnh: Phuong Huynh).

Nếu ghé thăm Huế, du khách có thể tìm và thưởng thức món chè bột lọc heo quay tại một số địa chỉ có tiếng hay trong các khu chợ truyền thống như chợ An Cựu, chợ Đông Ba, quán chè Hẻm Huế (29 Hùng Vương); chè Ngọc Hiền - Chè Huế 20 món (67 Trần Hưng Đạo); chè Mợ Tôn Đích (trước Công viên Thương Bạc); chè Ông Lạc (36 Thanh Tịnh - Vĩ Dạ); chè Hẻm Cung Đình (93 Xuân Sáu Tám),...

Phan Đậu