Tại kỳ điều hành ngày 1/10, giá xăng đã có đợt tăng mạnh. Xăng E5 tăng 666 đồng, còn RON 95 tăng tới gần 1.000 đồng/lít.

Xăng RON 95 hiện chiếm lượng tiêu thụ chủ yếu trên thị trường, dao động trong khoảng 60-70%. Xăng E5 chiếm phần còn lại.

“Soi” các kỳ giảm giá gần đây, thì 4 lần giảm giá xăng RON 95 chỉ gần bằng một lần tăng giá.

Ngày 1/8, sau chuỗi ngày tăng, giá xăng E5 giảm 377 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 316 đồng/lít.

Ngày 16/8, giá xăng E5RON92 giảm 544 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 514 đồng/lít.

Ngày 31/8/2019, xăng E5RON92 giảm 135 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 170 đồng/lít.

Ngày 16/9, xăng E5RON92 giảm 109 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 92 đồng/lít.  

Như vậy, với 4 lần giảm giá trên, giá xăng RON 95 giảm tổng cộng 1.057 đồng/lít. Trong khi đó, chỉ một lần tăng giá vào ngày 1/10, giá xăng RON 95 đã tăng tới 923 đồng/lít.

{keywords}
Mức tăng/giảm giá xăng phụ thuộc nhiều vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: Lương Bằng

Điều này có thể được giải thích thế nào?

Đó là do việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, hoặc gần cạn, thì liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ phải tính toán việc bổ sung tiền vào Quỹ. Khi đó, giá thế giới giảm thì giá xăng dầu trong nước không giảm tương ứng.

Khi giá thế giới tăng cao, liên Bộ mới có nguồn để xả, nhằm kiềm chế mức tăng giá trong nước. Nếu không xả quỹ, thì giá xăng ngày 1/10 sẽ tăng cao hơn con số đã công bố. Cụ thể, RON 95 có thể phải tăng tới hơn 1.400 đồng/lít, thay vì tăng 923 đồng/lít.

Tuy nhiên, khi giá xăng thế giới giảm, thì giá xăng trong nước cũng không giảm tương ứng vì liên Bộ phải trích lập Quỹ bình ổn giá, để có nguồn sử dụng cho những đợt tăng giá mạnh như ngày 1/10 vừa qua.

Chẳng hạn, nếu không phải trích lập Quỹ thì giá xăng RON 95 trong nước ngày 16/9 có thể giảm được gần 500 đồng/lít, thay vì chỉ vỏn vẹn 92 đồng/lít.

Còn ngày 16/8, xăng RON 95 có thể giảm tới 1.000 đồng/lít nếu không phải trích lập bổ sung cho Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít.

Điều đó có nghĩa, Quỹ bình ổn giá được hình thành đều từ tiền người dân góp vào khi mua xăng dầu.

Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 12/4/2019, đã chỉ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Hiệp hội xăng dầu, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng “chịu thiệt thòi hơn là được lợi” vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó  việc sử dụng Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

“Bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối”, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị.

Tuy nhiên, phía cơ quan điều hành giá xăng dầu thì cho rằng Quỹ bình ổn giá vẫn còn tác dụng nhất định, nên vẫn chưa đồng tình bỏ.

Bộ Tài Chính quy định các doanh nghiệp đầu mối phải mở riêng một tài khoản cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở ngân hàng và theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Số tài khoản đó DN phải thông báo cho Bộ Tài chính, còn ngân hàng hàng quý báo cho Bộ số tiền trích lập quỹ của DN. DN không được phép sử dụng quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Như vậy, khi quỹ dương DN cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì DN tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng bù vào mức được xả quỹ (vay ngân hàng hoặc vốn DN). 

Lương Bằng 

Quỹ bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp xin bỏ, bộ kiên trì giữ

Quỹ bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp xin bỏ, bộ kiên trì giữ

 Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến giá trong nước không “đồng điệu” với giá thế giới. Phía đề nghị bỏ Quỹ đưa ra nhiều lý lẽ, bên muốn giữ lại cũng có lập luận “nặng ký”.