Mới đây, trao đổi với PV VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của TP Hà Nội cùng quyết tâm cao độ của chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc ở 7 xã miền núi đã đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy nội lực để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cũng như vươn lên từng bước thoát nghèo.

Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện, tạo bứt phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc miền núi với đồng bằng trong xây dựng nông thôn mới.

W-dong-bao-dan-toc-thieu-so-xa-phuc-son-phat-trien-vung-lac-hang-hoa-tai-dia-phuong-anh-tqdt-3.jpg
Ba Vì sẽ phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nói về phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Dương Cao Thanh – Bí thư huyện ủy Ba Vì cho biết: "Huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở các xã miền núi. Đồng thời rà soát đánh giá tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã đăng ký phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch, đảm bảo đúng lịch thời vụ, năng suất, chất lượng. Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi giá trị.

Đa dạng các loại con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Trong đó, chú trọng duy trì đàn gia cầm thịt, trứng ở các xã vùng đồi gò, núi, phát triển đàn bò thịt, bò sữa ở các xã ven sông, vùng núi, khuyến khích tái đàn lợn tại các hộ chăn nuôi đã có chuồng trại để phát triển đàn lợn theo hướng an toàn sinh học.

Đảm bảo công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn huyện, vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mùa mưa, lũ,tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, kiên quyết không để phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm”.

Theo ông Dương Cao Thanh, Huyện ủy Ba Vì luôn khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Chỉ đạo xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có thêm 20 sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Nâng cao hiệu quả công tác thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện. Chủ động tiết kiệm từ các nguồn nước, thực hiện tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả.

Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện báo cáo rà soát quy hoạch lâm nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của các sở, ngành thành phố.