Bộ KH&ĐT tham mưu chỉ định thầu 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sau khi các dự án này được Chính phủ đồng ý chuyển sang đầu tư công.
8 dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 88.234 tỷ đồng, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có mức đầu tư 5.408 tỷ đồng.
Tất cả các dự án trên được đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.
Bộ KH&ĐT đề xuất chỉ định thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam |
Việc dùng ngân sách đầu tư 9 dự án nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích thích đầu tư, tạo công ăn việc làm trong và sau dịch Covid-19 được dư luận, giới chuyên gia đồng tình.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT mới đây kiến nghị Chính phủ xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tại cuộc họp giao ban Chính phủ hôm 10/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, chỉ có 1-2 nhà thầu có thể thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, do đó cần thiết chỉ định cho làm luôn; trong quá trình đó hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu, giao thầu, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự toán, đơn giá và kiểm soát chặt.
Phải giám sát tốt
Việc đề xuất chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam khiến nhiều chuyên gia lo ngại, bởi nếu chỉ định không giám sát tốt dễ nảy sinh cơ chế xin - cho, chạy chọt.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, việc chỉ định thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam là sự đi xuống của việc thực hiện đấu thầu công khai minh bạch với các dự án đầu tư công.
Luật đưa ra phải đấu thầu nhưng không thể lấy lý do thủ tục đấu thầu mất thời gian khiến dự án chậm nên phải chỉ định thầu. Việc này không loại trừ khả năng xảy ra tiêu cực.
“Thực tế, các dự án BOT trước đây đã cho thấy những lỗ hỗng trong chỉ định thầu, do vậy các dự án cao tốc Bắc - Nam không thận trọng lại rơi vào vết xe đổ các dự án BOT trước đây, lại thanh tra, bắt bớ thì rất lo”, ông Thanh lưu ý.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho rằng, đối với những dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam đấu thầu công khai minh bạch là tốt nhất.
Ông Tăng nói rõ, theo luật, tất cả các gói thầu trên 1 tỷ đồng đã phải tổ chức đầu thầu, trừ các dự án an ninh quốc phòng, dự án ảnh hưởng do thiên tại...
Như vậy, chiếu theo luật đấu thầu thì cao tốc Bắc – Nam không được phép chỉ định thầu, thế nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thì việc chỉ định thầu có thể trình QH xem xét, nhất là trong bối cảnh áp lực kinh tế lớn cần phải kích cầu nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mặc dù vậy, ông Tăng vẫn lưu ý, dù có đấu thầu hay chỉ định thầu, để dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng thì phải đảm bảo các điều kiện: Chọn được nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực; hợp đồng ký kết giữa nhà thầu, nhà đầu tư với đại diện nhà nước phải chặt chẽ và đặc biệt là cơ quan giám sát phải thực sự tốt và công tâm.
“Cần thiết có thể thuê tư vấn nước ngoài giám sát để đảm bảo khách quan, công khai minh bạch cho dự án”, ông Tăng nói.
Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án cải tạo đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Vũ Điệp