Mòn mỏi chờ sổ đỏ

Sống trong căn nhà 3 tầng tại dự án khu đô thị Lê Hồng Phong II (dự án Lê Hồng Phong II) ở TP Nha Trang nhưng ông Trần Văn Thiệp (64 tuổi) vẫn nơm nớp nỗi lo, bởi nhiều năm qua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

KDT LeHongPhongII DJI_0943.jpg
Khu đô thị Lê Hồng Phong II ở Nha Trang hình thành đã nhiều năm, dân cư đông đúc. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Thiệp kể 8 năm trước, dự án Lê Hồng Phong II do Công ty Công ty CP Bất động sản Hà Quang (Hà Quang Land) làm chủ đầu tư đã hình thành, cư dân đông đúc, nhà cửa khang trang. Khi đó, vợ chồng ông chi hơn 530 triệu đồng mua lô đất rộng 80m2, phía trước là công viên. 

Gần cuối năm 2017, vợ chồng ông xây nhà 3 tầng rồi chuyển cả nhà về đây sinh sống.

Ông Thiệp nhẩm tính thời điểm đó, chi phí mua đất và xây nhà khoảng 1,2 tỷ đồng. Ông đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng từ đó tới nay vẫn chưa nhận được sổ đỏ.

W-KDT LeHongPhongII IMG_9398.jpg
Công viên bên trong dự án Lê Hồng Phong II. Ảnh: Xuân Ngọc

Sống trong nhà của mình song những năm qua, ông Thiệp luôn có cảm giác lo lắng vì thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro chỉ vì sổ đỏ bị "treo". Theo ông, hiện tài sản này đang là hợp đồng mua bán, khi cần vốn cũng không thể vay ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu bán thì giá không bằng đất có sổ. Chẳng hạn, với căn nhà ông Thiệp đang ở, giá thị trường giao dịch trung bình từ 4-5 tỷ đồng tùy vào vị trí, nhưng khi có sổ đỏ sẽ cao hơn.

Một cư dân khác là ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm 2015 đã mua 140m2 đất tại dự án rồi dựng nhà. Với ông, cơ sở hạ tầng tại đây khá tốt nhưng gia đình phải đối mặt với nỗi lo vì gần chục năm qua dự án vẫn 'treo' sổ đỏ.

Hiện hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị này đang chung cảnh ngộ như ông Thiệp và ông Hải.

Cư dân bức xúc, liên tục phản ứng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục, đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho bên mua. Tuy nhiên, yêu cầu chính đáng của họ chưa được giải quyết.

Người dân có phải đóng thêm tiền sử dụng đất?

Dự án Lê Hồng Phong II có khởi đầu từ năm 2004, khi UBND tỉnh Khánh Hòa giao 100ha đất lần đầu cho Hà Quang Land. Đến tháng 6/2015, UBND tỉnh hủy bỏ quyết định trên để ban hành quyết định mới, giao lại hơn 51ha “đất sạch” cho Hà Quang Land thực hiện dự án.

W-KDT LeHongPhongII DJI_0976.jpg
 Hơn 1.500 lô đất ở dự án Lê Hồng Phong II đã được xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: Xuân Ngọc

Hà Quang Land thông tin Khu đô thị Lê Hồng Phong II là dự án thuộc nhà nước thu hồi đất. Chủ đầu tư thay nhà nước chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, số tiền này sẽ được khấu trừ khi dự án được phê duyệt giá đất. Toàn bộ chứng từ chi tiền cho người dân đều được lập và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Diện tích 51ha đất nói trên đã được chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2010-2014, với tổng số tiền trả cho người dân khoảng 200 tỷ đồng dựa trên phương án đền bù do nhà nước phê duyệt. 

Thời gian qua, doanh nghiệp đã có nhiều văn bản đề nghị cấp thẩm quyền phê duyệt giá làm cơ sở tính tiền sử dụng đất của dự án trên, để cấp sổ đỏ cho người dân nhưng không được giải quyết.

"Điều này khiến những người dân sống trong dự án Lê Hồng Phong II vẫn chưa có sổ đỏ, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ suốt những năm qua" - đại diện chủ đầu tư bày tỏ.

Đến ngày 29/8 vừa qua, UBND tỉnh mới có Quyết định 2282/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất để tính thu tiền sử dụng, tiền thuê đất phải nộp đối với dự án khu đô thị mới Lê Hồng Phong II thì chủ đầu tư lại không thể vui mừng. Bởi với quyết định này, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã ra các thông báo 11456, 11596, 11573, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp hơn 1.245 tỷ đồng tiền thuê đất và sử dụng đất cho dự án.

W-KDT LeHongPhongII IMG_9406.jpg
Nhà cửa được xây khang trang bên trong dự án. Ảnh: Xuân Ngọc

Phía Hà Quang Land cho rằng, quyết định 2282 là vi phạm nguyên tắc áp dụng pháp luật, đã kéo theo xác định giá đất dự án Lê Hồng Phong II không đúng. Bởi, nhiều vị trí đất tại dự án thời điểm chủ đầu tư bán cho người mua với giá trung bình 5,5 triệu đồng (bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thuế VAT)- thấp hơn đơn giá để tính thu tiền sử dụng đất tại quyết định 2282 vừa được ban hành.
 
Quyết định 2282 nếu được áp dụng sẽ tạo ra bất công giữa các dự án có điều kiện pháp lý tương tự. Họ đưa ra đơn cử như dự án Khu đô thị VCN - Phước Hải vốn được tách ra từ dự án Lê Hồng Phong II, thời điểm ban hành quyết định giao đất giữa 2 dự án này chênh nhau khoảng 6 tháng nhưng giá đất để tính thu tiền sử dụng đất cho dự án Lê Hồng Phong II lại cao hơn gấp 5,3 lần.

Khi được hỏi về đơn giá tiền sử dụng đất vừa ban hành của UBND tỉnh Khánh Hòa, cư dân tại dự án Lê Hồng Phong II - ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định, hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư từ nhiều năm trước nên không đồng ý nộp thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào.

Trong khi đó, trả lời PV VietNamNet, Hà Quang Land cũng khẳng định tại hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư với người dân đã thể hiện rõ đơn giá, bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí thi công hạ tầng kỹ thuật và thuế. Vì thế, nếu cấp thẩm quyền phê duyệt giá đất cao hơn so với hợp đồng đã ký thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện, người dân không phải nộp thêm chi phí. 

Liên quan sự việc trên, TAND tỉnh Khánh Hòa đã thụ lý vụ “Khiếu kiện quyết định hành chính về việc tiền sử dụng đất” mà nguyên đơn khởi kiện là Công ty CP Bất động sản Hà Quang. Bị đơn trong vụ kiện này là UBND tỉnh và Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, doanh nghiệp đề nghị tòa án hủy quyết định 2282 của UBND tỉnh và các thông báo số 11456, 11596, 11573 của Cục Thuế.

Hiện, TAND tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ việc thi hành quyết định về giá đất, các thông báo thuế đất tại dự án Lê Hồng Phong II.