Trung Quốc sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng lên 12,7% trong năm nay, người phát ngôn Quốc hội nước này vừa cho biết. Sự trở lại của mức gia tăng hai con số sẽ khiến khu vực bất an.
>> Vũ khí tối mật của Trung Quốc: Bồ câu đưa thư
>> Máy bay Trung - Nhật 'gặp chuyện' ở vùng tranh chấp
Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lí Triệu Tinh cho hay, ngân sách quốc phòng năm nay sẽ là 601,1 tỉ nhân dân tệ (91,5 tỉ USD), so với 532,1 tỉ nhân dân tệ năm ngoái. Trong năm 2010, chi tiêu quốc phòng của nước này chỉ tăng 7,5% sau một giai đoạn dài gia tăng hai con số.
Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng
chi tiêu quân sự, mở rộng sức mạnh quân đội khiến khu vực cảm thấy bất an.
Ảnh: informationdissemination
"Nhiều người đồng ý rằng, những con số đều có sự chênh lệch tương đối so với tổng chi tiêu thực tế. Nói chung, điều đó có nghĩa người Trung Quốc đang nói rằng, chúng tôi đang gia tăng ngân sách quốc phòng, bất kể con số thực thế nào”, Dean Cheng, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Heritage Foundation ở Washington nói.
Phô diễn sức mạnh
Trung Quốc, giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thường chỉ ra rằng, chi tiêu quốc phòng của họ còn cách xa khi so sánh với Mỹ và việc cải tổ quân sự chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ. Lầu Năm Góc tháng trước đã đưa ra báo cáo ngân sách cho năm tài khóa 2012 với mức 553 tỉ USD, tăng 22 tỉ so với năm ngoái.
Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã có những động thái gây sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là tuyên bố bay thử máy bay tàng hình đầu tiên khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm Bắc Kinh hồi tháng 1.
Theo các nguồn tin chính trị và quân sự Trung Quốc, nước này có thể còn hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên trong năm nay, sớm hơn một năm so với dự đoán của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ.
Năm ngoái, Bắc Kinh bắt đầu công khai những cuộc tập trận quy mô lớn, đặc biệt về hải quân với mục tiêu nâng cao khả năng tác chiến xa hơn khu vực bờ biển của họ.
"Quân đội Trung Quốc là một lực lượng quan trọng và hùng mạnh trong việc ra quyết định và rõ ràng mong muốn thể hiện cho người dân cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc rằng, nước này sẽ tiếp tục trở nên mạnh hơn”, Rory Medcalf thuộc Học viện Lowy của Australia cho biết.
Và tín hiệu ấy cũng có thể khiến các nước láng giềng lo lắng.
Hôm thứ năm, Nhật Bản cho hay đã phải điều động các máy bay chiến đấu sau khi hai máy bay hải quân Trung Quốc bay sát quần đảo tranh chấp hai bên ở biển Hoa Đông, cho dù không tiến vào không phận Nhật.
Philippines cũng yêu cầu một lời giải thích từ Trung Quốc sau một vụ việc xảy ra hôm thứ tư ở khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Một tàu thăm dò dầu khí của Philippines đã đánh tín hiệu thông báo bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu.
Chạy đua gia tăng quân sự
Trên thực tế, nhiều quốc gia khác đã nỗ lực tăng cường lực lượng của họ để phản ứng với Trung Quốc. Trong tuần này, Ấn Độ tuyên bố gia tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 11,6% và đang mua sắm các máy bay chiến đấu hiện đại, máy bay vận chuyển, do thám và tàu ngầm.
Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách quốc phòng, trong đó coi Trung Quốc là mối quan tâm chính.
Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lí Triệu Tinh khẳng định, gia tăng chi tiêu quốc phòng của họ ở mức hợp lý và Trung Quốc không đe dọa bất cứ ai. "Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tương đối thấp so với chuẩn thế giới”, ông nói. “Trung Quốc luôn chú ý tới việc kiềm chế chi tiêu quốc phòng”.
Andy Gilholm, nhà phân tích cao cấp thuộc Control Risks, nhấn mạnh, Trung Quốc không cố gắng đối trọng với Mỹ về các kế hoạch sức mạnh toàn cầu, nhưng muốn gây khó với Washington trong việc áp dụng sức mạnh ở những nơi mà Trung Quốc xem là “sân sau” của họ.
"Vấn đề cơ bản với Mỹ và các đồng minh khu vực không phải là khoảng cách chi tiêu hay các khả năng tổng thể, nhưng sự mở rộng của Trung Quốc có thể đe dọa hoặc kiềm chế khả năng Mỹ trong việc sử dụng ưu thế quân sự để hỗ trợ các mục tiêu của họ trong khu vực”, Gilholm nói.
Tuy vậy, một vị tướng về hưu của Trung Quốc, Hứa Quảng Ngọc, cho rằng, việc gia tăng chi tiêu là cần thiết bởi lạm phát, khi số tiền gia tăng sẽ dành nhiều cho tiền lương và phí tổn trang thiết bị. "Trong hai năm tới, mức lương trong quân đội sẽ gia tăng tương đối nhanh chóng vì lạm phát cũng ở mức cao”, ông Hứa nói. "Trang thiết bị quân sự, quân phục và hậu cần cũng chịu áp lực tăng giá”.
-
Thái An (theo Reuters, FT)