Được kỳ vọng là kẻ thống trị trên chiến trường, nhưng siêu cơ F-35 lại đang có nguy cơ bị ném vào sọt rác một cách không thương tiếc.

TIN BÀI KHÁC:



Mỹ đang có một khoản đầu tư kếch xù cho chiếc siêu cơ F-35 của mình. Chính những người ủng hộ đã dốc hầu bao cho chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có thể tác chiến không đối không và không đối đất.

Được cho là gần như có thể bịt mắt được hệ thống rađa và có khả năng thống trị mọi chiến trường trong tương lai, chiếc F-35 sẽ thay thế hầu hết các máy bay chiến đấu trong kho vũ khí của Không lực Mỹ, Hải Quân, lực lượng Lính thủy đánh bộ, và ít nhất của chín đồng minh khác của Mỹ. Tuy nhiên, cũng chẳng có gì là bí mật khi chương trình tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ lại chính là một ‘nghiệp chướng’ cho Lầu Năm Góc.

Tháng trước, Lầu Năm Góc lại một lần nữa tăng giá chiếc F-35 lên 289 triệu USD. Đây là mức giá mới nhất trong chuỗi tăng giá của chiếc phi cơ này. Và chương trình này được cho là sẽ chiếm khoảng 38% khoản thu trong các chương trình quốc phòng của Lầu Năm Góc, và nói rằng chi phí cho F-35 sẽ không tăn thêm nữa.

Tuy nhiên, vấn đề mà F-35 gặp phải là gì? Khi nghiên cứu về chi phí, lịch trình, và mức độ hoàn thiện của F-35 - ba thước đo chính cho mọi chương trình của Lầu Năm Góc - vạch ra các vấn đề mang tính cơ bản và vẫn đang tiếp diễn.

Trước tiên, liên quan tới phần chi phí - một nhân tố đặc biệt quan trọng mà các chính trị gia luôn miệng kêu than đó là môi trường ngân sách quốc phòng eo hẹp, thì một chiếc F-35 chỉ đơn giản là đắt quá không kham nổi. Cho dù chiếc phi cơ này ban đầu được coi là một giải pháp mang tính kinh tế, thì những đợt đội giá vẫn gây nên đủ tai hại  trong suốt cả thập kỷ qua. Năm ngoái, lãnh đạo Lầu Năm Góc thông báo cho Quốc hội Mỹ rằng giá mua chiếc máy bay này đã tăng lên thêm 16% nữa, từ mức 328.3 tỉ USD lên 379.4 tỉ USD cho 2457 chiếc máy bay. Họ cũng nói thêm rằng việc tăng giá này hoàn toàn thích đáng.

Tuy nhiên, đến tháng Hai thì mức giá lại bị đội lên một lần nữa, tăng thêm 4%, và thành 395,7 tỉ USD. Nhưng tháng Tư, mốc trên tiếp tục bị phá. Và con số đó tất nhiên chưa phải là cuối cùng khi mà chương trình thử nghiệm mới chỉ hoàn tất 20%, và các đợt sát hạch cam go nhất vẫn chưa diễn ra. Như vậy, so với mức giá khởi điểm là 226,5 tỉ cho tổng thể số máy bay vào năm 2001, đến nay, giá thành đã đội lên 75% cho toàn bộ 2866 chiếc F-35.

Sang đầu năm 2013, F-35 lại ‘đục’ thủng túi thêm một lần nữa khi Lầu Năm Góc lại một lần nữa đối mặt với loạt các đợt cắt giảm ngân sách. Và F-35 không thể tránh được tổn thất khi mà số lượng mua giờ giảm xuống, khiến cho giá thành từng chiếc F-35 không còn cách nào khác là lại phải tăng thêm.

Rốt cuộc, F-35 sẽ ngốn thêm vài lần so với mức 395,7 tỉ USD như vừa nêu trên. Đó là ước tính hiện thời để mua được nó, chứ không phải là mức tổng chi phí để có thể vận hành nó. Còn mức giá ước tính để vận hành và trợ giúp cho F-35 phải là 1,1 nghìn tỉ USD -- còn tổng chi phí hàng năm phải là 1,5 nghìn tỉ USD. Con số này còn cao hơn GDP hàng năm của Tây Ban Nha.

Và ước tính trên cho thấy vẻ lạc quan quá mức, cho rằng một chiếc F-35 sẽ chỉ đắt hơn F-16 có 42% về mặt vận hành, nhưng F-35 lại phức tạp hơn rất nhiều. Chiếc phi cơ ‘thế hệ thứ năm’ duy nhất là Raptor F-22 cùng nhà sản xuất lại kém tính năng hơn so với chiếc F-35, nhưng năm 2010, F-22 lại tiêu tốn hơn 300% để vận hành mỗi giờ so với chiếc F-16. Còn những người chặt chẽ hơn lại muốn chiếc vận hành và hỗ trợ cho F-35 sẽ chỉ đắt gấp đôi F-16.

Mức giá “chát” đã đành, F-35 lại còn gây ra một mối họa khác: chậm tiến độ bàn giao.

Theo kế hoạch ban đầu, loạt F-35 đầu tiên sẽ sẵn sàng tham chiến là vào năm 2010. Sau đó, thời điểm triển khai ban đầu là vào năm 2010. Gần đây hơn, các quan chức quốc phòng nói rằng thời hạn hạn để triển khai ‘sẽ được quyết định’. Một thời hạn mới được gợi ý là năm 2019 -- chậm hơn kế hoạch ban đầu gần 1 thập kỷ.

Nếu như F-35 quả thật ‘đáng đồng tiền bát gạo’, thì việc chờ đợi và ‘bóp mồm bóp miệng’ để mua cũng còn chấp nhận được. Nhưng đằng này lại không. Ngay cả khi chiếc chiến đấu cơ này vận hành với các đặc điểm kỹ thuật ban đầu -- tất nhiên thực tế không phải vậy -- thì nó vẫn là một nỗi thất vọng tràn trề. Đó là lý do tại sao ngay cả một người thông thường cũng có thể giải thích tại sao F-35 lại không thể mua nổi và không thể có được nó trong những năm tới.

Vấn đề nằm trong từng ‘thớ thịt’ của F-35.

Thiết kế của F-35 ra đời vào cuối những năm 1980 tại Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tối tân, trực thuộc Lầu Năm Góc. Họ đề xuất nên một chiếc máy bay chiến đấu lên thẳng và cất cánh trên đường băng ngắn (STOVL), bay với vận tốc siêu thanh. Điều này sẽ đòi hỏi thiết kế khung máy bay phải ngắn, thân mập bè, động cơ đơn (STOVL), và cùng lúc phải dài, bóng mượt, với năng lượng thì dồi dào, và thường là với các động cơ kép.

Lầu Năm Góc sau đó lại khiến cho thiết kế này ‘sa lầy’ khi gán cho nó một loạt các tính năng khác - vừa phải là máy bay ném bom, vừa phải là máy bay chiến đấu không đối không. Điều này khiến cho thiết kế phải có sự tính toán mang tính ‘thỏa hiệp’ giữa việc máy bay phải nhẹ, gọn với các đặc tính của bộ khung đảm bảo ‘ôm’ được các tải trọng lớn.

Các quan chức kỷ nguyên Clinton còn đòi hỏi máy bay phải ‘tàng hình’, tức là phải có các yêu cầu về hình dáng thuộc khí động lực học và lớp vỏ ngài làm sao tránh ‘làm mù’ được hệ thống rađa. Họ cũng gắn thêm vào đó hai gian chứa vũ khí, khiến cho trọng lượng của máy bay tăng thêm và sức ì cũng lớn hơn để che các tên lửa trên khoang khỏi tầm ngắm của rađa. Và trên tất thảy, họ biến nó thành một chiếc phi cơ đa chức năng, luôn phải thỏa hiệp các tính năng để đáp ứng các yêu cầu của cả Không Lực, Lính thủy đánh bộ và Hải quân.

Cuối cùng, trong suốt thời kỳ Clinton, những người chủ trương tán thành đã đưa ra một chiến lược mua bán ‘đồng thuận’. Điều này cũng có nghĩa là hàng trăm phiên bản F-35 được sản xuất, và các cam kết về tài chính và chính trị được đưa ra trước khi các kết quả thử nghiệm cho thấy các sản phẩm được mua chất lượng ra sao.

Kế hoạch kỳ cục này đã mang lại vô số vấn đề rắc rối - và vẫn còn 80% các đợt bay thử nghiệm chưa được tiến hành. Theo yêu cầu, F-35 phải đồng thời là máy bay ném bom, đồng thời tác chiến ‘không đối không’, nhưng sự thật thì  F-35 không nhẹ như những chiếc F-16 trong chế độ ‘không đối không’, và cũng không có được lượng chất nổ với tải trọng như chiếc F-15E trong chế độ ném bom. Chưa kể, F-35 còn không thể so sánh với chiếc A-10 trong chế độ hỗ trợ cho quân đội chiến đấu ở tầm thấp.

Tệ hơn nữa, nó còn không thể bay liên tục để thực hiện một số nhiệm vụ -- hoặc đơn giản là để huấn luyện phi công -- vì sự phức tạp của máy làm kéo dài thời gian bảo trì và hạn chế các tính năng. Những chiếc máy bay chiến đấu như F-35, F-22 chỉ có thể bay trung bình 15 giờ mỗi tháng trong năm 2010 ngay cả khi nó vận hành hết cỡ.

Ngay cả khi ‘tàng hình’, F-35 thuộc thế hệ thứ năm cũng không qua mặt được các chiến đấu cơ ‘hạng xoàng’. Cho dù mọi người có đặt niềm tin lớn tới đâu cho F-35 thì sự thật là nó không hoàn toàn ‘bịt mắt’ được hệ thống rađa ở một số góc độ. Một số loại rađa - kể cả loại cổ lỗ sĩ-  vẫn ‘nhìn thấy’ rõ các máy bay ‘tàng hình’ trong tầm khá rộng. Chẳng hạn như hồi chiến tranh Kosovo 1999, chiếc rađa cổ và thiết bị tên lửa từ thời Liên Xô vẫn bắn hạ được chiếc máy bay ném bom ‘tàng hình’ F117 và gây thiệt hại nặng nề cho một chiếc khác tương tự.

Lời cuối dành cho kẻ ‘tội đồ’ này của Lầu Năm Góc: Đây không phải là một ‘kỳ quan’ như nhiều người nói. Đây là một quả đắng quá lớn, và ở một số khía cạnh thì đó là một bước lùi. Vấn đề này hoàn toàn là do thiết kế, và không thể nào giải quyết nổi nếu như không bắt đầu lại từ một tờ giấy trắng tinh. Giờ đây, chỉ có thể làm một điều duy nhất với F-35: vứt nó vào sọt rác. Không quân Hoa Kỳ cần một chiếc máy bay tốt hơn thế, và những người đóng thuế không tội gì phải tốn nhiều tiền như thế cho một chiếc máy bay. Còn sọt rác thì đang đợi sẵn kẻ ‘tội đồ’ này.

Lê Thu (theo FT)