Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, ứng dụng và phát triển CNTT cần phải được xác định là nhiệm vụ ưu tiên của toàn hệ thống chính trị và là "nội dung quan trọng trong mọi chiến lược phát triển từ Trung ương đến địa phương".
Quan điểm này được người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2016, khai mạc sáng nay, 24/9, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2016. |
Ông cho rằng, chỉ khi ứng dụng CNTT được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội coi là nhiệm vụ quan trọng, là ưu tiên cao nhất, đưa vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, địa phương thì CNTT-TT mới có thể nâng lên một tầm cao mới và Việt Nam mới có cơ hội nắm bắt thời cơ mà cách mạng số mang lại.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở nước ta. Đồng thời, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp quá chú trọng cơ hội mà lơ là thách thức
Theo ông, những cơ hội mà cuộc cách mạng số mang lại là rất rõ ràng. Lĩnh vực này đã tạo ra việc làm cho hàng triệu doanh nghiệp và người lao động trên khắp thế giới. Nhiều Doanh nghiệp dù mới hình thành nhưng nhờ CNTT đã phát triển vượt bậc chỉ trong một thời gian ngắn. Việc ứng dụng CNTT-TT cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thậm chí là các quốc gia...
Thế nhưng bên cạnh những lợi ích, những thay đổi to lớn, mạnh mẽ mà mà chúng ta có thể nhìn thấy được, đi kèm với cuộc cách mạng này là những khó khăn, thách thức, thậm chí là những mối đe dọa tới an ninh quốc phòng của các quốc gia nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung hiện tập trung quá nhiều vào những lợi ích, những mặt tích cực, các cơ hội và doanh thu khổng lồ và CNTT-TT mang lại mà chưa sẵn sàng, thiếu sự chuẩn bị để đối diện với mặt tiêu cực là những cuộc tấn công mạng ngày càng thường xuyên, dai dẳng với những kĩ thuật ngày càng hiện đại, tinh vi. Phạm vi, quy mô tấn công cũng ngày càng mở rộng. Chính những nguy cơ hiện hữu này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các doanh nghiệp, các nhà quản lý về CNTT-TT phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về hoạt động đảm bảo an toàn thông tin mạng song song với việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT-TT, ông cảnh báo.
Ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho DN TT&TT
Nhiều giải pháp, đề xuất cụ thể với Chính phủ để ngành TT&TT cũng như Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng số đã được Bộ trưởng nêu rõ tại Diễn đàn.
Ông cho rằng, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, thì ưu tiên số một phải là tập trung phát triển nguồn lực con người - yếu tố quan trọng nhất để phát triển CNTT. "Bộ TT&TT sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT đảm bảo chất lượng, chú trọng tăng nhanh tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế".
Nhưng để thực hiện điều này, Bộ trưởng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong việc điều chỉnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực.
Bộ cũng sẽ đưa ra các chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đưa ứng dụng CNTT tới mọi miền của tổ quốc. "Đây là điều kiện quan trọng để tạo nên nền tảng cho nền kinh tế số của Việt Nam".
Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT của Việt Nam để đưa CNTT thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng và ban hành các cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp CNTT-TT nói chung cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản để làm chủ công nghệ lõi thông qua các chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.
Liên quan đến thách thức lớn nhất trong kỷ nguyên cách mạng số là an toàn thông tin, vị Tổng tư lệnh ngành khẳng định Bộ sẽ chủ động, tích cực xây dựng các chính sách, tiêu chí hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin quốc gia. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ cùng các Bộ ngành liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong công tác điều phối, ứng cứu đảm bảo ATTT. Đáng chú ý, Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để xây dựng nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, Bộ trưởng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp TT&TT "nỗ lực, tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động thúc đẩy cũng như đảm bảo an toàn cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam".
T.C