XEM CLIP:

Hồi 0h52 ngày 18/7, Trung tâm thông tin Chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân có địa chỉ tại 378 phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. 

Công an thành phố Hà Nội đã điều động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa, cứu nạn cứu hộ.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã đưa được 4 nạn nhân mắc kẹt trong ngồi nhà đang cháy ra ngoài an toàn. Trong đám cháy này, hình ảnh chiến sĩ chữa cháy cõng người bị nạn khiến người dân và cộng đồng mạng cảm động. Nhiều ý kiến cho rằng, giữa lằn ranh sự sống và cái chết, những chiến sĩ cảnh sát PCCC quên thân mình để giành giật sự sống với "giặc lửa", đưa người mắc trong đám cháy ra ngoài an toàn.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân, cõng nạn nhân cuối cùng mắc kẹt trên tầng thượng của ngôi nhà ra bên ngoài (Ảnh: Công an cung cấp)

Chia sẻ với phóng viên, Thượng úy Nguyễn Viết Quân, Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an quận Hoàn Kiếm), người cõng nạn nhân thứ 4 ra khỏi đám cháy, vẫn không giấu được niềm vui khi đám cháy không gây thiệt hại về người.

"Đến giờ, đã nửa ngày sau đám cháy, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng, vui sướng khi cùng đồng đội cứu được các nạn nhân mắc kẹt trong ngôi nhà đang cháy. Với chúng tôi, khi không có thiệt hại về người là sự động viên rất lớn", Thượng úy Quân chia sẻ.

Kể về thời điểm tiếp cận đám cháy, Thượng úy Quân nói, ngay khi đến hiện trường vụ, lửa đã bao trùm toàn bộ khu vực tầng 1 và cầu thang lên tầng 2. Khi đó, chỉ huy đội đã triển khai cùng lúc hai mũi dập lửa và cứu nạn cứu hộ.

"Lúc đó tôi được phân công nhiệm vụ trinh sát đám cháy, tìm người mắc kẹt trong ngôi nhà, còn các đồng đội triển khai dập lửa và phun nước làm mát cho lực lượng trinh sát xông vào đám cháy", Thượng úy Quân nói.

Vì đám cháy xuất phát từ tầng 1 của ngôi nhà bao gồm nhiều vật dụng như xe máy, bàn ghế... nên lửa lan rất nhanh, khói độc xông lên các tầng khiến công tác trinh sát cứu người bị nạn gặp khó khăn. 

"Thời điểm nhận được tin báo có 4 người mắc kẹt trong đám cháy, lúc đó tôi rất nôn nóng nhưng càng những lúc như vậy thì càng phải cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho chính mình và cứu nhanh các nạn nhân ra ngoài. Do kết cấu cầu thang của ngôi nhà bằng gỗ, lại xoáy trôn ốc nên lúc đó lửa cháy cả ở cầu thang khiến tôi phải lần từng bậc để tìm cách lên cứu nạn nhân. Hai tay tôi lúc đó luôn phải quờ ra phía trước, bám sát cạnh tường để không mất phương hướng trong khói đen dày đặc", Thượng úy Quân nhớ lại.

Thượng úy Quân kể, người mắc kẹt cuối cùng trong ngôi nhà 5 tầng là một người đàn ông trung niên, nạn nhân này thấy cháy đã cố gắng chạy lên tầng tum để thoát nạn thì bị ngất ở đây.

Bằng phản ứng nghề nghiệp, Thượng úy Quân đã tức tốc cõng nạn nhân xuống thẳng tầng 1.

"Trong lúc cõng nạn nhân xuống, do cầu thang chật hẹp và đang rất nóng, vừa di chuyển nhanh tôi vừa động viên nạn nhân, "cố gắng lên, sắp ra khỏi nhà rồi", sau đó đưa thẳng nạn nhân đến chỗ lực lượng y tế chờ sẵn", Thượng úy Quân nhớ lại.

Thời điểm niềm vui vỡ òa, theo Thượng úy Quân, đó chính là lúc tiếp cận nạn nhân mắc kẹt cuối cùng và đưa được ra ngoài với vẻ mặt nhăn nhó nhưng tính mạng lúc đó đã an toàn.

Cũng theo Thượng úy Quân, cả 4 nạn nhân mắc kẹt đều là người trong một gia đình. Khi xảy ra cháy, mỗi người ở một tầng nên cùng lúc có nhiều chiến sĩ vào hướng dẫn các nạn nhân thoát nạn.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân tham gia huấn luyện kỹ năng PCCC cho học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

11 năm theo nghiệp "lính cháy", Thượng úy Quân không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu lần làm nhiệm vụ cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, với anh, mỗi lần cứu được nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy là một lần vỡ òa cảm xúc.

"Người đầu tiên tôi báo tin khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đơn vị chính là vợ mình. Bởi lẽ, gia đình là hậu phương vững chắc cổ vũ tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. Ngoài ra, mỗi lần báo tin cho gia đình cũng là cách để những người thân yêu yên tâm hơn", Thượng úy Quân nói. 

Bộc bạch về sự vất vả, Thượng úy Quân nói, anh và các đồng nghiệp không ngại gian khó, nhưng vẫn luôn mong muốn số vụ cháy nổ ngày càng ít đi hoặc không xảy ra. Theo anh, đôi khi với những người lính PCCC, "thất nghiệp" lại là niềm vui trọn vẹn.