WhiteHat Grand Prix, cuộc thi thực hành kiến thức an toàn, an ninh mạng có quy mô toàn cầu do Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. |
Cũng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019 mới ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an có phương án bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Về định hướng phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, gần đây, lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc trong lĩnh vực này. Cụ thể, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT diễn ra hồi đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần đẩy mạnh vấn đề an toàn bảo mật, phát triển doanh nghiệp an ninh mạng trong nước để Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng.
Còn với người đứng đầu ngành TT&TT, trong phát biểu khai mạc chương trình Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 chủ đề: “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số” được tổ chức trung tuần tháng 4/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia lớn mạnh về an toàn, an ninh mạng và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy. Bộ trưởng đề cập đến việc trong năm nay sẽ hình thành một Hub về chia sẻ thông tin an toàn, an ninh mạng của ASEAN tại Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh mạng.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, Bộ đang soạn thảo Đề án xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh mạng ASEAN tại Việt Nam.
Bộ TT&TT cho biết, với thực trạng hiện nay tại khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, việc xây dựng một Trung tâm phân tích và chia sẻ thông tin về an toàn thông tin là đặc biệt quan trọng. Việc này sẽ góp phần giúp các nước chưa phát triển mạnh về CNTT như Lào, Campuchia… có một chỗ dựa vững chắc để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia. Đồng thời, giúp việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia được bảo mật và phòng chống đánh cắp dữ liệu, hỗ trợ các quốc gia khoanh vùng, xử lý vùng bị tấn công một cách nhanh nhất, chống lây lan trên diện rộng.
“Đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát huy lợi thế của mình với vai trò là người khởi xướng, dẫn dắt, nâng cao vị thế của Việt Nam trên tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin có thể mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong khu vực ASEAN, góp phần phát triển kinh tế chung của đất nước”, Bộ TT&TT cho hay.
Bên cạnh đó, theo Cục An toàn thông tin, với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt như Viettel, VNPT, BKAV, Bộ TT&TT đang hỗ trợ các nước Lào, Campuchia, Myanmar để thiết lập và vận hành các Trung tâm giám sát an toàn, an ninh không gian mạng. Việc này góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng với khu vực, quốc tế.
Hướng tới hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng, bên cạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều hoạt động khác đã và đang được Bộ TT&TT mà trực tiếp là Cục An toàn thông tin triển khai, đơn cử như: hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam; xây dựng các Đề án: bảo vệ thông tin cá nhân tại Việt Nam và kế hoạch hành động của Bộ TT&TT, bảo vệ thông tin cá nhân và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng...
”Với an toàn, an ninh mạng trong nước, chúng ta mong muốn các cơ quan, tổ chức của Việt Nam đặc biệt là các cơ quan, tổ chức nhà nước được bảo đảm, bảo vệ một cách thực chất, chuyên nghiệp và hiệu quả. Chúng ta cũng muốn có thị trường nội địa rộng lớn, là cái nôi để cho nhiều doanh nghiệp mạnh về an toàn thông tin phát triển và đặc biệt là chúng ta mong muốn không gian mạng Việt Nam luôn “sạch rác”, phải lành mạnh, an toàn, tin cậy”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.