Một trong những nội dung trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương. Đồng thời, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, Chính phủ nêu rõ, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án thí điểm sáp nhập tỉnh. (Ảnh trụ sở Bộ Nội vụ)

Chính phủ yêu cầu tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Xây dựng Đề án “Cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI"

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành giúp Chính phủ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, xây dựng tiêu chí và đánh giá kết quả thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Bộ Nội vụ cũng được giao xây dựng Đề án “Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương” trình Chính phủ trong năm 2025.

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án “Cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Trong khi đó, Đề án “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp” sẽ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trong năm 2024.

Trước đó, trả lời câu hỏi của VietNamNet vào cuối năm 2022 liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chủ trương của Đảng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, Nghị quyết số 27 của Trung ương cụ thể thêm một bước nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung “nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”.

Trong giai đoạn tới đây, việc nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương vào giai đoạn thích hợp.

“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh tác động rất nhiều mặt, cả về tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ công chức và nhân dân trên địa bàn một tỉnh. Việc này tác động nhiều chiều nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và có đánh giá tác động trên nhiều mặt trước khi đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện thí điểm vào thời điểm thích hợp”, ông Tuấn lý giải.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, Nghị quyết số 27 của Trung ương ghi rất rõ là “nghiên cứu thí điểm”. Vì vậy phải có đề án nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch đơn vị hành chính các cấp, phù hợp với quy hoạch đô thị, nông thôn và phải có đủ căn cứ chính trị, pháp lý và cả thực tiễn. Việc này phải báo cáo Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương, Quốc hội. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng khẳng định, hiện tại, Bộ Nội vụ chưa có đề xuất cụ thể sắp xếp tỉnh nào với tỉnh nào mà phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, trình cấp có thẩm quyền.