- Điện hạt nhân hiện đại và điện than cổ điển hiện đang được dư luận ở nước ta cũng như thế giới quan tâm. Chính điều này cũng được đề cập đến trong cuộc họp quan trọng của Thường trực Chính phủ vừa mới đây, đặc biệt trong bài phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào ngày thứ Ba 19/1/2016 đã đi sâu vào hai chủ đề lớn: Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và Dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (gọi tắt là Điều chỉnh Quy hoạch than 60).

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo với Thường trực Chính phủ về hai nội dung chính nêu ở trên. Trong các bài phát biểu tại cuộc họp của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp phong phú.

Về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII, các ý kiến nhấn mạnh: Đây là một dự án lớn, có vai trò ảnh hưởng đặc biệt quan trọng không những đối với phát triển ngành điện nói riêng mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân nói chung. Nội dung Đề án được thực hiện công phu với các tính toán chuyên sâu. 

Kết quả thu được đã thể hiện sự cố gắng cao và sự cộng tác chặt chẽ của tập thể chuyên gia thực hiện đề án với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng. Những nội dung của Điều chỉnh Quy hoạch điện VII không những làm cơ sở cho việc quản lý và điều hành ngành điện của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn có ý nghĩa định hướng cho các nhà đầu tư quan tâm vào phát triển ngành điện.

Về Quy hoạch than 60, các ý kiến phát biểu đánh giá về tình hình thực hiện; chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được các mục tiêu của quy hoạch này; nêu quan điểm phát triển bền vững ngành than; công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến than; hạ tầng phục vụ khai thác than; việc cân đối cung cầu và định hướng xuất, nhập khẩu than… Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tiếp tục quan tâm bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

{keywords}
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Ảnh: M.Trân

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, sau khi nhắc đến những việc đã thực hiện được của ngành điện, ngành than trong những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung, hoàn thiện Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VII và dự án Điều chỉnh Quy hoạch than 60 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt sau đó triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2016 để bảo đảm năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 và xa hơn nữa là đến năm 2030.

Về quy hoạch, chiến lược phát triển ngành điện, ngành than thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu điện, than phải bảo đảm các yêu cầu cho tăng trưởng, phát triển đất nước với tầm nhìn cho hàng chục năm tới. Tính toán, cân đối đủ điện, than và phải có dự phòng; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn; sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao điện năng; bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với hệ thống hạ tầng về điện, than, hạn chế thấp nhất sự cố liên quan. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề về môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than, tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải; thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...

{keywords}
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: VAEC.

Đặc biệt, nhấn mạnh về điện hạt nhân, Thủ tướng khẳng định: Sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

Ở đây cũng nên nhắc lại rằng, chủ trương phát triển điện hạt nhân ở nước ta đã được đề cập đến từ đầu trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VII trước đây. Từ đó cho đến nay công tác thăm dò địa chất, thủy văn, môi trường… và quy hoạch địa điểm xây dựng hai Nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận đã được tiến hành. 

Sự làm việc với các đối tác đầu tư nước ngoài (Nga, Nhật và gần đây bắt đầu với Mỹ) vẫn đang tiến triển. Công tác đào tạo nhân lực liên quan đến xây dựng, vận hành, bảo đảm an toàn phóng xạ … đối với nhà máy điện hạt nhân cũng đang triển khai tích cực.

Rõ ràng, các ý kiến phát biểu và kết luận ở cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa mới diễn ra cho thấy Điện hạt nhân hiện đại và điện than cổ điển hiện đang được dư luận của nước ta quan tâm. Trong đó, đáng chú ý là các nội dung quan trọng: Một là, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than, tiến tới thay than bằng khí. Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

Xu hướng trên cũng chính là xu hướng của hầu hết các nước trên thế giới hiện nay.

Trần Minh

TIN LIÊN QUAN