Đã 27 tháng Chạp, các chợ hoa xuân tại Mỹ Đình, chợ hoa Vạn Phúc, chợ hoa Nhật Tân - Quảng Bá, các chợ hoa tự phát mọc dọc các tuyến phố lớn như Lê Đức Thọ, Tố Hữu - Lê Văn Lương kéo dài,... người dân vẫn chưa mặn mà đi sắm Tết.

Tại chợ hoa Vạn Phúc (Hà Đông), đào vùng cao "đổ bộ", chờ người mua tới xem. Hay trên đường Tố Hữu (Hà Đông), trên khoản diện tích rộng, hàng trăm chiếc cóng bơ được trưng dụng để cắm đào cành từ vùng cao đưa xuống.

Tuy nhiên, cảnh tượng vắng vẻ, hẩm hiu khiến nhiều người buôn hàng hoa chán nản, treo biển bán hạ giá, tháo vốn để về quê ăn Tết sớm. 

Một cành đào rừng mọi năm có giá từ 1,5-2 triệu đồng, năm nay chỉ còn 800.000 đến 1 triệu đồng/cành.

{keywords}
Một cụ ông đi xe đạp điện tới chợ hoa xuân Mỹ Đình cho biết, cành đào phớt hồng (hay còn gọi là đào phai) ông mua được chỉ với giá 100 ngàn đồng vào chiều 26 tháng Chạp

Anh Nguyễn Văn Phán (trú tại An Khánh, Hà Nội) than thở, anh bỏ vốn mua đào rừng, đào vùng cao để bán tết, chi phí thuê xe, thuê chỗ ngồi lên tới ba bốn chục triệu đồng. Thế nhưng, từ khi chợ hoa xuân bắt đầu mở đến nay, anh chỉ bán túc tắc ngày được vài ba cành.

"Giá cả năm nay chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 so với năm ngoái. Cứ chiều hướng như này, chắc chắn chúng tôi thua lỗ nặng" - anh Phán cho hay.

Tại chợ hoa xuân Mỹ Đình, khu vực trưng đào vùng cao từ Vân Hồ (tỉnh Sơn La), đang bày bán những cành đào rừng đẹp nhất, có độ dài vươn xa tới vài ba mét. Cành đào già, thân mốc rêu, hoa nở bung cánh hồng tươi tắn.

Chủ nhân cho biết cành này có giá 15 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày nữa là Tết Nguyên đán mà chợ rất vắng người mua.

{keywords}
Khu vực trưng đào vùng cao từ Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đưa xuống tại chợ hoa xuân Mỹ Đình
{keywords}
Cành đào rừng đẹp nhất chợ hoa Mỹ Đình, có độ dài vươn xa tới vài ba mét
{keywords}
Chủ cây cho biết nó có giá 15 triệu đồng
{keywords}
Người xem háo hức ngắm cành đào già, thân rêu mốc vượt hàng trăm km để có mặt tại chợ hoa xuân Mỹ Đình
{keywords}
Hoa đào bung nở
{keywords}
Đào rừng dán tem truy xuất nguồn gốc để được lưu thông, vận chuyển
{keywords}
Một người buôn đào cho biết, tiền thuê mặt bằng bán hàng trong mấy ngày tết là 20 triệu đồng, với diện tích được kẻ ô vài chục m2. Tuy nhiên, với sức bán rất chậm, ít người mua đến thời điểm này, khả năng nhiều người đi buôn hàng hoa sẽ bị lỗ nặng, mất Tết.

Ghi nhận của PV. VietNamNet tại các tuyến phố của Hà Đông như chợ Vạn Phúc, chợ hoa Sông Nhuệ, Cầu Đen, chợ hoa 365 và những địa điểm bán đào, quất lẻ khác chiều 26 tháng Chạp cho thấy, lượng đào, quất được các tiểu thương bày bán đã kín chợ, song người mua không nhiều. 

Ông Hiệp, 60 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội - một tiểu thương bán đào, quất tại chợ hoa Sông Nhuệ - cho biết, giá đào quất tại các chợ hiện đã giảm một nửa so với năm trước, nhưng không vì vậy mà trở nên sôi động hay thu hút khách đến mua. Điều này khiến những người bán đào, quất như ông cảm thấy ngao ngán và mệt mỏi.

“Mấy hôm nay, cả nhà tôi dựng lều bạt để trông đào quất bán. Nhưng đây là năm bán hàng ế ẩm nhất trong các năm. 26 Tết rồi mà khách đến mua chẳng thấy đâu, vắng khách quá. Mình ngồi trông hàng từ sáng mà chỉ bán được có 2 cây quất giá 400.000 đồng đây. Thi thoảng lắm mới có một khách đi xe đến hỏi mua”, ông Hiệp buồn bã kể.

“Nhà tôi năm nay mang xuống chợ hoa này 500 cây quất và 200 cây đào. Vài ngày rồi mà chỉ bán được mấy chục cây. Tôi đang sốt ruột quá. Không biết, cận Tết người mua có nhiều không. Chứ 29-30 Tết mà vẫn chẳng ai mua bán gì thì coi như không có Tết, buôn bán thua lỗ quá”, ông nói.

Ngoài ra, năm nay khó khăn, nhiều người cũng siết chặt chi tiêu Tết. Thay vì chơi những cây đào thế, đào thất thốn đắt đỏ, họ thường chuộng mua đào cành, quất bonsai để tiết kiệm chi phí. 

“Giờ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như thế, ai cũng hạn chế ra ngoài thời điểm này. Chợ hoa nào ở Hà Đông cũng vắng lặng người mua. Chưa kể, dù giá bán đào quất đã giảm nhưng nhiều người vẫn có tâm lý chờ cận Tết vì lo ngại trời nắng ấm như này đào sẽ nở rộ trước Tết”, ông Hiệp chia sẻ.

Anh Trần Huy Minh, 30 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông chiều nay cũng đi mua một cây bưởi bonsai để về nhà trưng Tết. Cây bưởi bonsai anh mua nhìn khá đẹp, chiều cao gần 2m, nhưng giá chỉ 3 triệu đồng, rẻ hơn những năm trước khoảng 30-40%.

“Ra chợ hoa mua bưởi bonsai mà bất ngờ quá vì thấy cảnh vắng vẻ và khá ảm đạm. Chẳng bù năm ngoái, đông chen chúc. Tính ra, sức mua năm nay giảm 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái”, anh Minh nhận xét.

{keywords}
Những gốc đào hoa nở rộ chờ khách tới mua
{keywords}
Hoa nhiều nhưng lác đác chỉ một vài khách 
{keywords}
Quất trưng bày đầy trên phố, tại chợ hoa
{keywords}
Bưởi bonsai năm nay giá giảm 1/3 so với năm trước

 

{keywords}
Chợ hoa xuân 2021 tại Mỹ Đình cũng vắng vẻ, dù chỉ còn 3 ngày nữa là tết Nguyên đán

 

{keywords}
Mới 27 tháng Chạp, nhiều người bán hàng hoa, cây cảnh đã treo biển đại hạ giá để thanh lý hàng sớm về quê đón Tết
{keywords}
Một người kéo xe ba gác chở cây thuê hẩm hiu chờ khách
{keywords}
Một chủ vựa quất cũng treo biển đồng giá 200.000 đồng/chậu quất cảnh, tuy nhiên cũng không mấy người mua
{keywords}
Trâu vàng cõng quất chợ khách tới rước về đón Tết
{keywords}
Cảnh tương tự đối với khu trưng bày cây mai vàng miền Nam. Những chậu nhỏ trung bình có giá 1 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với giá bán năm ngoái
{keywords}
Cảnh đìu hiu tại chợ hoa xuân Mỹ Đình 2021

 

Thanh Hóa: Giảm giá 50% vẫn ế

Trên 20 điểm bày bán đào, quất, cây cảnh ở địa bàn TP. Thanh Hóa vẫn ngập tràn, nhưng người mua vắng bóng.

Anh Nguyễn Tuấn Hưng, lái buôn ở đây cho biết, tính đến thời điểm hiện tại những người buôn quất, đào như anh được xem là thua lỗ.

Theo anh Hưng, mọi năm mặc dù thời tiết cũng thay đổi thất thường, nhưng sức mua của người dân vẫn lớn. Năm nay, những người lái buôn như anh bị ảnh hưởng kép. Vừa ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, đào bung hoa hết, quất héo vàng,... vừa trùng với đợt dịch Covid-19 bùng phát khiến tâm lý người dân lo lắng, không muốn mua sắm hay chơi Tết gì.

{keywords}
 

“Năm ngoái, tôi lấy số lượng quất nhiều gấp đôi năm nay, đến 30 Tết cơ bản bán hết. Năm nay lấy có một xe ô tô khoảng 100 gốc mà bán đến nay vẫn gần như còn nguyên. Thông thường, ngoài 23 trở đi là lượng người mua phải tấp nập rồi, năm nay sát Tết vẫn “án binh bất động”, coi như thất bại”, anh Hưng cho biết.

Mới chở một xe ô tô quất từ Nam Định về, anh Lê Văn Tuấn (lái buôn ở TP. Thanh Hóa) lập tức treo biển đại hạ giá.

Anh Tuấn chia sẻ, ngay từ khi có thông tin dịch bệnh vợ chồng anh đã tính không nhập hàng về nữa. Nhưng rồi thấy đào, quất vẫn về bày bán rầm rộ nên suốt ruột đặt một chuyến hàng gần trăm gốc.

“Mới nhập về hôm 25, nhưng với sức mua thế này biết sẽ thua lỗ nên tôi lập tức treo biển hạ giá bán vớt vát lại gốc”, anh Tuấn nói.

{keywords}
 

{keywords}
 

Anh Hùng, một lái buôn ở Triệu Sơn, nói thêm, năm nào anh cũng buôn đào ở Xuân Du (Như Thanh) xuống thành phố bán, tuy nhiên chưa năm nào thê thảm như năm nay.

“Tôi và một số anh em ở quê góp vốn được gần 100 triệu đi buôn đào. Năm nay đào rất nhiều nụ, ngày đầu thời tiết lạnh nên nghĩ hoa sẽ nở trúng Tết. Nhưng khi nhập hàng về trời lại nắng kéo dài khiến hoa nở bung hết. Mỗi gốc đào dao động từ 500.000 đến vài triệu đồng, giờ xả hàng đồng giá 350.000 đồng cũng không ai mua”, anh Hùng nói.

Lê Dương

Thái Bình - Thảo Nguyên