- Ông bà ngoại tôi có hai mảnh đất: một mảnh 2500m2 đất nhà ở và 5000m2 đất ruộng do ông bà cố để lại. Ông bà có 3 người con. Năm 2004, ông ngoại tôi mất không để lại di chúc.
Bà ngoại, mẹ tôi và dì đồng ý để cậu được đứng tên trên toàn bộ sổ đỏ 2 mảnh đất trên. Năm nay bà ngoại tuổi cao sức yếu, đề nghị chia đất cho 3 người con thì cậu tôi không chịu, nói giờ cậu đã đứng tên trên toàn bộ giấy tờ, muốn cho bao nhiêu là ý của cậu chứ không cần chia đều.
Xin hỏi luật sư, cậu tôi giờ có quyền làm như vậy không? Bà ngoại tôi vẫn còn sống thì có thể đòi lại đất và chia cho các con không?
Bà tôi còn có quyền định đoạt nhà đất? (Ảnh minh họa) |
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên cậu bạn. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, cậu bạn có đầy đủ quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Nếu có tranh chấp về quyền sử dụng đất thì các bên hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất, nếu hòa giải không thành thì khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc