Bên cạnh những đồng cảm, không ít phụ huynh phản đối với sự lựa chọn “im lặng để con khỏi bị trù dập” của phụ huynh Minh An.

Chị sai bét ra rồi đấy

“Trả tiền để cô giáo ưu đãi con mình hơn bạn khác thì chị quá sai rồi.

Con mình mình lo, nhưng lo cho con mình mà xâm phạm tới quyền lợi của trẻ khác kém điều kiện hơn, thì chị quá ích kỷ và xấu chơi” – chị Mai Anh nhắn gửi.

{keywords}
Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Đinh Quang Tuấn)

“Là cha mẹ, chúng ta có thể làm mọi điều vì con cái. Chúng ta sẵn sàng “chiến đấu” nếu như ngoài đường có ai đó đụng vào con, thậm chí sẵn sàng cãi nhau với… bố mẹ mình để “bảo vệ” con. Có thể… nhảy vào lửa, hay thậm chí là hy sinh tính mạng vì con. Nhưng chẳng hiểu sao, đa phần phụ huynh lại cảm thấy sợ hãi trước uy quyền của giáo viên” – Chị Thu Hương bình luận.

“Sự sợ hãi này, vô hình chung, đã khiến cho đứa trẻ trở thành “con tin” mà một giáo viên không tốt có thể sử dụng để gây áp lực với phụ huynh”. Theo chị Hương, trẻ con tinh tế lắm, chúng có quan sát và nhận xét riêng của mình.

“Bạn học trong lớp rồi sẽ nảy sinh thắc mắc tại sao bạn A. con chị. lại được cô quý, bạn B. lại bị cô ghét. Nếu A. được cô quý không phải vì giỏi mà vì có đi học thêm cô, B. bị cô ghét không phải vì hư mà vì không đi học thêm cô, thì vô hình chung chị đã đẩy con chị về phía đối lập với bạn bè của chúng. Khi đó, sợ rằng chẳng chờ tới lúc bị cô trù dập, mà bạn học đã tự cô lập con chị.

Còn con chị, khi thấy bố mẹ phải “mua chuộc” thầy cô như thế, là chị đã đặt khái niệm về sự khôn lỏi, về sức mạnh của đồng tiền… vào đầu óc trẻ thơ của bé”.    

Nhìn từ góc độ khác, anh Xuân Hải cho rằng làm như chị Minh An là đang “góp phần làm hư giáo viên”. “Chả phải riêng chị An, mà tất cả những người đang tặc lưỡi cho qua những biểu hiện sai trái của giáo viên vì sự ám ảnh “con bị trù dập”, là đang tiếp tay cho sự lộng hành của những giáo viên xấu”.

“Mềm nắn rắn buông, ai mà chẳng thế. Chúng ta nhu nhược, khiếp sợ trước những điểm số thấp, trước sự “bạo hành tinh thần tinh vi” như mọi người vẫn lo ngại, là đang tạo cho giáo viên sự ảo tưởng về quyền lực. Cứ đấu tranh đi, đừng ngại va chạm, ngại lên tiếng, vì những hậu quả con mình phải gánh chịu, nếu có, vẫn là chuyện mình có thể giải quyết không quá khó khăn”.

“Chị An ạ, hãy lên tiếng để lành mạnh hóa môi trường giáo dục. CÁc phụ huynh ơi, nếu cô có biểu hiện trù dập trẻ, nên kiên quyết phản ứng. Thay vì lo sợ và bị ám ảnh bởi những thứ đạo đức như làm mạnh quá cô bị đuổi thì khổ thân cô, nếu cô sai cứ kiên quyết  làm cho cô ra khỏi ngành, bởi họ không xứng đáng dạy con mình hay con cái của bất cứ ai khác” – anh Hải nhắn nhủ.

Tôi “hèn một nửa”, nhưng con tôi cũng đã trả giá

Chia sẻ về kinh nghiệm “đi qua trù dập” của cậu con trai khi học lớp 3, sau 3 năm, nhắc lại chuyện cũ chị Kim Anh vẫn còn phẫn nộ.

{keywords}
Ảnh chỉ có tính minh họa (Đinh Quang Tuấn)

“Hai cô giáo năm lớp 1, lớp 2 thì không vấn đề gì, cô không gợi ý dạy thêm, có lẽ vì các cô… có chồng giàu. Nhưng tới đầu năm con lên lớp 3, cô giáo đã gợi ý học thêm. Tôi cũng nói khéo là nhà không có điều kiện đưa đón, vì thực ra đã cho cháu học ở trung tâm bên ngoài. Tuy nhiên, cô không tha. Sau đôi lần nhắc lại thì tôi đành “thu xếp được”, mỗi tuần hai tối miễn cưỡng đưa con đến nhà cô. Tôi cũng tự an ủi rằng đỡ được hai hôm tôi hô hào con ôn bài tập ở nhà.

Nhưng sau hai tháng tôi thấy không ổn. Con tỏ ra rất chán chường những khi lên xe mẹ chở đến nhà cô. Con so sánh những buổi học ở nhà cô với những buổi học ở trung tâm. Con… chê cô dạy không hay, cô cứ bắt làm bài tập khó.

Tệ nhất là sau buổi học thêm, cháu trông bơ phờ, mệt mỏi. Nên tôi quyết định không cho con học nữa”.

Hậu quả của quyết định này chị Kim Anh vẫn không quên. “Từ đó, mỗi khi đến trường đón con, cô tỏ ra rất lạnh nhạt. Lúc đầu cũng cảm thấy nhột nhạt, sau… quen dần. Nhưng đi học về con bắt đầu kể chuyện, nào là hôm nay cô hỏi con rất khó. Hôm nay cô phạt con tội nói chuyện nhưng con chỉ quay xuống mượn thước kẻ của bạn thôi. Hôm nay cô mắng con rất nhiều vì con quên vở bài tập toán… Hiện tượng mắng mỏ này không hề có khi cháu còn đang đi học thêm

Đỉnh điểm là một hôm con về kể rằng “Cô véo tai con đau lắm, lại con dúi đầu con xuống bàn vì con nói trót chuyện với bạn”…”.

Nghe con nói vậy, chị Kim Anh tức sôi sùng sục. “Lúc đó có cảm giác như nếu cô giáo đang ở trước mặt, tôi có thể lao vào đánh. Chị quyết định hôm sau phải gặp cô giáo, phải nói với cô về việc này.

“Khi gặp cô tôi đã bình tĩnh lại. Tôi từ tốn nói với cô rằng cháu nói cô véo tai cháu đau quá, mong cô không làm thế nữa. Nào ngờ cô tỉnh bơ, lạnh lùng xổ ra một tràng kể tội thằng con nào là hay nói chuyện trong lớp, không tập trung nghe giảng, hay quên sách vở… Bố mẹ cứ nuông chiều, lơ là không để ý đến việc học của con thì con sẽ thua kém bạn bè…

Nghe một hồi, đâm ra mình với thằng con lại là người có tội, còn cô chỉ đang cố gắng làm cho mọi thứ tốt lên… Thấy cô nói năng như vậy, tôi nghĩ rằng không nên làm căng quá, mà phải có cách khác.

Từ đó cho đến hết học kỳ 2 của năm lớp 3, nhiều ngày đến trường với con mình chắc chắn không hẳn là một ngày vui, vì thỉnh thoảng cô giáo cũng có một vài hành động có vẻ ác cảm với cháu.

Nhưng vì hành động của cô không đến nỗi quá quắt nên chúng tôi cho qua. Không có điều kiện chuyển trường ngay cho con, chuyển lớp tôi cũng không muốn vì cũng lo các cô giáo khác có định kiến, và vì cháu là con trai, cũng rắn rỏi, vợ chồng tôi cũng động viên cháu học tập bình thường.

Hàng ngày chúng tôi hướng dẫn cháu làm đầy đủ bài tập, chuẩn bị đủ sách vở trước khi tới trường. Chúng tôi không tạo áp lực về điểm số cho con, 6, 7 điểm không sao, nên cuối cùng cũng “qua” được năm học đó.

Tới năm học sau, vì đã có kinh nghiệm, nên ngay từ đầu năm tôi đã từ chối việc đưa con tới lớp học thêm của cô. Tôi cũng đã nói chuyện nghiêm túc với cô giáo về lực học của cháu, mong muốn của gia đình, và may mắn cô giáo năm sau là người hiền hậu chứ không ghê gớm như cô năm trước, nên rồi mọi việc đã diễn ra thuận lợi”.

Phương Chi