*Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Chiều hôm qua trong quán cà phê, tôi vô tình nghe được câu chuyện rôm rả của một nhóm bạn ngồi bàn bên cạnh liên quan đến chuyện thưởng Tết. Họ đang dự đoán số tiền sẽ nhận được dựa trên tình hình kinh doanh của công ty và lời “đánh tiếng” của sếp trong các cuộc họp cuối năm. Người thì thở dài vì năm nay công ty làm ăn không tốt, chắc thưởng Tết chỉ là khoản nhỏ mang tính động viên, người thì phấn khởi khoe mặc dù COVID-19, doanh thu chỗ họ vẫn tốt, sếp bóng gió khoản thưởng năm nay đủ khiến anh em hài lòng.

{keywords}
Nhiều người chờ nhận thưởng Tết xong mới làm đơn xin nghỉ việc.

“Chắc năm nay vị trí của tớ sẽ được khoảng 50-60 triệu, chắc sếp sẽ để con số nhỉnh hơn năm ngoái chút xíu vì ông ấy thích đồ thị đi lên”, một người tiết lộ. “Ra Tết tớ sẽ chuyển chỗ làm mới lương cao hơn, nhưng vẫn chưa dám báo nghỉ vì sợ sếp sẽ giảm thưởng”.

Nhóm bạn đều tán thành cách hành xử này vì theo họ, dại gì mà nói ra. Cả năm đi làm ai cũng mong thưởng Tết; biết mình sắp nghỉ, các vị sếp sẽ chẳng việc gì “lấy lòng” mình bằng mức tiền thưởng đủ kích thích tinh thần cống hiến nữa.

“Ở cơ quan tớ trước đây có một anh cũng thông báo nghỉ việc trước 45 ngày theo luật, để ra Tết sang chỗ mới, thế là khoản thưởng Tết năm đó của anh ấy thấp hơn hẳn so với năm trước và so với những người cùng vị trí công việc, mức độ cống hiến”, một cô gái kể. Cô cho biết cũng từng chuyển việc sau Tết và chờ nhận thưởng xong mới viết đơn xin nghỉ việc. Thời gian chờ chính thức chấm dứt hợp đồng theo luật, cô nghỉ không lương.

Có vẻ như tất cả mọi người đều cho rằng việc chờ nhận thưởng Tết xong mới làm đơn xin nghỉ việc là thông minh. Nhưng tôi tự hỏi, liệu những người đó có khôn lỏi quá không? Vì họ chỉ mới nghĩ từ quyền lợi của người lao động, và cách hành xử trên dường như không được quân tử, không được fairplay với người sử dụng lao động. Họ đặt thủ trưởng cơ quan vào thế bị động khi sát ngày nghỉ mới thông báo.

Và cả chuyện tiền bạc nữa. Hồi mới ra trường, tôi làm ở một công ty công nghệ lớn. Trước khi phát thưởng Tết, sếp có giải thích về cách tính thưởng cho từng người, trong đó có yếu tố kỳ vọng trong tương lai.

{keywords}
Nếu là bạn, bạn có viết đơn xin nghỉ việc trước khi nhận thưởng Tết?

Nghĩa là, tôi và anh A cùng làm một vị trí, kết quả công việc nhìn qua KPI thì tương đương nhau, nhưng tưởng Tết của tôi có thể cao hơn anh A vì sếp đánh giá khả năng phát triển của tôi cao hơn, công ty kỳ vọng mức độ cống hiến của tôi trong năm tới cao hơn anh ấy, tôi không nhớ chính xác từ ngữ sếp dùng nhưng đại ý như vậy. Tôi thấy điều này rất hay và khi trở thành chủ công ty, tôi cũng đưa nó vào bộ tiêu chí đánh giá để tính thưởng cho nhân viên.

Và nếu bạn hỏi tôi, ở vị trí sếp, tôi có giảm tiền thưởng của nhân viên thông báo ra Tết sẽ nghỉ không, xin thưa rằng có, nhưng tôi chỉ trừ khi khoản “kỳ vọng” nọ, và thưởng cho họ xứng đáng với cống hiến của họ trong năm qua, trong khả năng của công ty và công bằng trong tương quan với người lao động khác.

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Chắc trong những ngày tới, các cơ quan, công sở bắt đầu chuyển tiền thưởng cho nhân viên, nên tôi nêu vấn đề này để chúng ta trao đổi.

Nếu là bạn, bạn có báo với sếp trước khi nhận thưởng Tết việc mình sẽ rời công ty vào đầu năm mới không?

(Theo VTC News)