Nơi này là trạm bơm Crossness, hay còn được biết tới với tên gọi “thánh đường trên bùn lầy”, một công trình có từ thời Nữ hoàng Victoria trị vì (1837 - 1901).
Trạm bơm Crossness được thiết kế bởi Sir Joseph Bazalgette, kỹ sư trưởng của hội đồng công trình Metropolitan, nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối của London. Đó là xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp xuống sông Thames.
Trước khi có công trình này, sông Thames luôn ở trong tình trạng hôi thối. Nguồn cung cấp nước cho cả thành phố bị đe dọa, dẫn tới nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tả xuất hiện.
Kế hoạch của Bazalgette là đưa nước thải ra khỏi thành phố càng xa càng tốt, thông qua dòng chảy và động cơ bơm chạy bằng hơi nước, sau đó đổ xuống sông Thames ở phía Đông Nam của thành phố.
Để làm được điều này, ông đã xây dựng một mạng lưới cống ngăn chặn, chạy song song với con sông. Công trình có quy mô xây dựng rất lớn vào thời điểm đó. Ngoài việc dẫn nước thải tới nơi cần xử lý, trạm bơm còn được xây dựng để tích trữ nước.
Vào thời điểm đó, trạm bơm ở Abbey Mills và Crossness là những công trình kiến trúc tráng lệ nhất với mái vòm được trang trí công phu.
Nhà sử học kiến trúc Nikolaus Pevsner đã mô tả kiến trúc của tòa nhà là “một sự pha trộn không chính thống theo phong cách Gothic đầy mơ mộng. Các ô cửa sổ Byzantine và đèn lồng hình bát giác ở giữa khiến nơi này trở nên cực kỳ nổi bật”.
Điều ấn tượng hơn cả là bên trong trạm bơm này có 4 động cơ hơi nước khổng lồ. Những cỗ máy này có thể xử lý 6 tấn nước thải ở độ cao 10 - 20m, đổ vào một hồ chứa, sau đó được xả vào sông Thames khi thủy triều dâng.
Khi trạm bơm ngừng hoạt động vào những năm 1950, chi phí tháo dỡ các động cơ rất đắt nên chúng được giữ nguyên hiện trạng. Trong hơn 50 năm, trạm bơm và máy móc nằm im lìm, phủ bụi cho đến khi trở thành điểm hút khách du lịch vào 2015.