Lấy được tấm chồng tốt, đó là ước mơ mà mỗi người phụ nữ đều mong muốn. Lỡ lấy phải người chồng tồi, thì mỗi người lại có những cách ứng xử khác nhau. Có người âm thầm chịu đựng, có người dũng cảm buông bỏ. Nhưng dù thế nào đi nữa thì họ vẫn phải gánh chịu những tổn thương mà đôi khi không thể chữa lành bằng liều thuốc thời gian...
Ước mơ giản dị về một căn nhà hạnh phúc
Người ta thường nói, người phụ nữ thông minh xinh đẹp cũng không bằng may mắn, nhất là khi lấy chồng. Nhưng cũng có người cho rằng, người phụ nữ phải độc lập, tự chủ, tự tạo hạnh phúc cho mình, tự làm mình trở nên may mắn chứ không phải là phụ thuộc vào một người đàn ông. Hai quan niệm ấy dù đúng dù sai thế nào, thì người phụ nữ dù giàu hay nghèo, bản lĩnh hay không bản lĩnh, thông minh hay không thông minh cũng đều cần có một người đàn ông bên cạnh để tựa nhờ. Bởi người phụ nữ sinh ra đã có tư chất yếu mềm, ẩn chứa bên trong đều khao khát được yêu thương, được che chở...
Vốn đa cảm nên họ dễ bị phụ thuộc vào người đàn ông mình yêu. Thế nên, lấy được người chồng tốt là điều ai cũng hằng ao ước. Nhưng lỡ lấy phải người chồng tồi, thì mỗi người họ lại có những phản ứng khác nhau. Có người âm thầm chịu đựng, có người dũng cảm buông bỏ. Nhưng dù thế nào thì họ vẫn phải gánh chịu những tổn thương lớn nhất. Đôi khi những tổn thương đó không thể chữa lành bằng phương thuốc theo thời gian...
Ảnh minh họa |
Giống như chị Nguyễn Ngọc Thoa (quê ở Cao Bằng) vậy, mỗi khi nhắc về gia đình, chồng con, cô luôn buồn rười rượi, thở dài: “Số mẹ em đã khổ đường chồng con, ai ngờ cái số em còn khổ hơn. Nhưng đã lấy rồi, có con rồi, giờ biết làm sao! Đâm lao thì phải theo lao thôi”.
Thoa là con lớn trong nhà, dưới còn một cậu em trai. Nhưng tuổi thơ của hai chị em không được hạnh phúc đủ đầy, vì khi em trai ra đời được mấy tháng thì bố cô bỏ đi cùng người đàn bà khác. Mẹ cô nuốt nước mắt vào trong, khổ cực mà nuôi chị em cô khôn lớn. Dẫu vậy mẹ Thoa vẫn lo cho cô đi học đầy đủ. Vậy mà khi đang học cao đẳng năm thứ hai khoa kế toán thì Thoa bỏ học và đòi lấy chồng. Mẹ Thoa phản đối kịch liệt. Nhất là người đàn ông tên Nghĩa đó lại hơn Thoa hơn chục tuổi, đã từng ly hôn vợ. Nhưng Thoa đã trót có thai với Nghĩa, nên mẹ không còn cách nào khác.
Lúc tán tỉnh, Nghĩa tỏ ra là một người đàn ông dịu dàng và hết sức tâm lý, có trách nhiệm. Nghĩa ly hôn vợ trước là vì cô ấy đã phản bội anh. Đó là những gì Thoa biết khi yêu Nghĩa. Nhưng đến khi đã trở thành người đàn bà của Nghĩa thì Thoa mới biết mình bị lừa. Hóa ra, họ chia tay nhau chính vì Nghĩa mới là kẻ trăng hoa hết lần này tới lần khác. Và người phụ nữ ấy chỉ đem theo tài sản duy nhất là đứa con.
Bộ mặt thật của người chồng
Sự thật đó khiến Thoa choáng váng, nhưng cô vẫn thầm mong sau lần đổ vỡ trước, có lẽ Nghĩa sẽ rút ra được bài học cho mình, sẽ sống có trách nhiệm hơn với gia đình, vợ con, sẽ bớt cái tính lăng nhăng. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ giữ được tới khi Thoa sinh con. Trong thời gian ở cữ, Thoa phát hiện Nghĩa đi với người đàn bà khác. Thậm chí cô ta còn nhắn tin cho Thoa: “Chị có phải là vợ anh Nghĩa không. Đêm nay anh ấy ở với em. Anh ấy đang tắm nên em tranh thủ nhắn tin cho chị biết. Để chị khỏi phải đợi...”. Thoa ôm con khóc như mưa. Nước mắt tủi hờn cứ thế ứa ra không ngăn được.
Sáng hôm sau Nghĩa về qua nhà, vẫn mua đồ ăn cho cô. Nghĩa vẫn tỏ ra bình thản như mọi khi không có gì là chột dạ khi cô chất vấn đêm qua anh ta đi đâu. Nghĩa đặt đồ ăn sáng lên chiếc bạn cạnh giường, Thoa hất xuống đất. Anh ta quay lại nhìn vợ với vẻ mặt khó chịu. Thoa quăng chiếc điện thoại cho Nghĩa đọc. Đúng là số điện thoại của anh ta đã nhắn tin cho cô đêm qua. Nghĩa tối mắt, khuôn mặt đanh lại giận dữ. Có lẽ giận cô nhân tình, Nghĩa lẩm nhẩm chửi thầm. Thoa tưởng rằng chồng sẽ quỳ xuống mà xin mình tha thứ. Nhưng không, Nghĩa nhìn cô với ánh mắt đục ngầu rồi đóng sập cửa lại đi làm, bỏ mặc Thoa ngồi một mình trong căn nhà trống với tất cả sự bẽ bàng, hụt hẫng. Nhưng đó cũng chỉ là bắt đầu cho những chuỗi ngày đau khổ của Thoa...
Nghĩa vẫn ngoại tình, chỉ có điều Thoa không bắt được tận tay mà thôi. Cuộc sống vợ chồng bắt đầu mâu thuẫn ngày càng lớn. Nhất là khi cô chỉ ở nhà trông con, hàng tháng đợi Nghĩa đưa tiền ăn, tiền mua sữa, mua bỉm cho con. Thoa cảm thấy mình như một kẻ ăn bám. Bởi nhiều khi hai vợ chồng cãi nhau Nghĩa còn chẳng thèm đưa tiền ăn cho vợ con. Anh ta ngày càng quá quắt hơn, cô bảo mình muốn đi học lại, Nghĩa gạt phăng: “Học hành cái gì nữa. Có mà đi đú đởn với giai ấy!”. Hai vợ chồng cứ thế lời qua tiếng lại. Nghĩa đã đánh chửi Thoa thậm tệ. Thoa vừa sợ, vừa bàng hoàng nên chỉ biết ôm mặt chịu trận. Đó là trận đòn đầu tiên khi Thoa mới làm vợ Nghĩa, cô uất ức ôm con về nhà mẹ đẻ.
Nhưng rồi ngay tối hôm đó Nghĩa đã bắt xe lên đòi đón mẹ con Thoa về. Mẹ Thoa nói khéo là để hai mẹ con cô ở đó chơi mấy hôm cho khuây khỏa nhưng Nghĩa nhất quyết không chịu. Nghĩa vẫn ngoại tình nhưng hễ cô nhắc tới là lập tức bị đánh đập cho bầm dập cả người. Nhưng đánh xong, hắn lại quỳ xuống xin lỗi cô được ngay. Nghĩa như là kẻ đa nhân cách vậy. Những nhân cách đối lập cứ thế lặp đi lặp lại khiến Thoa ngày càng sợ hãi con người hai mặt ấy. Nó như cái vòng tròn khiến Thoa chỉ muốn phát điên.
Khi con lớn hơn một chút, Thoa gửi con để đi làm. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi Nghĩa bắt đầu giở trò ghen ngược. Chính Nghĩa mới là kẻ lăng nhăng khắp nơi thế nhưng hễ Thoa về trễ, đi làm ca muộn hay đưa đón con... Nghĩa đều nói Thoa đi hẹn hò với trai, lấy cớ hành hạ, chửi bới đánh đập cô. Có hôm chị em làm cùng công ty rủ nhau đi liên hoan cuối năm, điện thoại hết pin nhưng Thoa không biết, Nghĩa gọi không được. Vừa về đến nhà, Thoa đã ăn hai cái bạt tai tối tăm mặt mũi. Tiếp đó là những cú đạp, những cái tát liên tiếp vào đầu, vào người. Hàng xóm phải chạy sang can Nghĩa mới chịu thôi. Nhưng Nghĩa bắt đầu rêu rao khắp nơi là Thoa lăng nhăng chỗ nọ chỗ kia nên phải dạy bảo vợ hư đốn cho đến nơi đến chốn để cho nó chừa đi. Đánh thế vẫn còn nhẹ(?).
Thoa muốn ly hôn để được giải thoát khỏi cuộc sống tù ngục ấy vì dù sao cô cũng còn trẻ, không muốn mình phải sống nốt cả phần đời còn lại bên một người đàn ông như thế. Nhưng cứ nghĩ về tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của cha của hai chị em mà Thoa lại không lỡ lòng nào bắt con phải chịu nỗi thiệt thòi đó, cô lại cắn răng chịu đựng hết trận đánh này tới trận đánh khác của Nghĩa. Phần vì Nghĩa liên tục khủng bố tinh thần cô: “Đừng hòng mà ly hôn được tao. Mày nghĩ, tao sẽ để mẹ con mày sống yên à?”. Thoa lại sợ, lại cắn răng nhẫn nhịn.
Thoa tâm sự: “Em còn bảo anh ta có đi gái thì cứ đi, em không quan tâm. Chỉ cần để cho mẹ con em được yên thân. Thế mà có được đâu. Anh ta cứ đi gái, rồi về nhà lại hành hạ em. Hành hạ xong lại quỳ xuống xin lỗi ăn lăn cả trăm lần. Em không hiểu con người anh ta là loại người gì nữa. Giờ mà hai mẹ con bỏ đi, thì em cũng chẳng thể nào mà nuôi con được”.
Đến khi nào phụ nữ mới có thể tự bảo vệ mình trước bạo lực gia đình, đó là nỗi đau mà không phải người đàn bà nào cũng sẵn lòng bày tỏ với tất cả mọi người. Nhưng cái sự âm thầm chịu đựng ấy, có phải là sự hy sinh chính đáng mà người phụ nữ nên chấp nhận hay không?
Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; - Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình; - Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; - Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác; - Các quyền khác theo quy định của pháp luật. - Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu. |
(Theo PLVN)