Chiều nay (7/10), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội thảo xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, tổ chức tại Hải Phòng.
Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên trách về quản lý thông tin trên mạng của Bộ TT&TT, Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố; nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, đại diện nhiều trang tin điện tử tổng hợp mạng xã hội...
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận, đánh giá về tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng và các biện pháp đấu tranh, xử lý để ngăn chặn tình trạng này.
Đây cũng là dịp để các đơn vị quản lý nhà nước tại các địa phương, các cơ quan báo chí chia sẻ những kinh nghiệm công tác đấu tranh, phản bác tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Bộ TT&TT cũng mong muốn thông qua hội thảo này nhận được các ý kiến đóng góp xây dựng để "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận với người sử dụng.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới Nguyễn Thành Lợi cho rằng, hiện nay ai cũng có thể sử dụng mạng xã hội, dẫn đến môi trường truyền thông của chúng ta thay đổi. Thông tin trên mạng xã hội có thể không đúng, nhưng nói đi nói lại nhiều lần, người ta lại tin cái không đúng.
Theo ông Lợi, để chống lại nạn tin giả, báo chí cần phải có thông tin độc đáo, chuyên sâu, phải xây dựng được thông tin chính thống, nhanh chóng và đặc biệt là không được để mạng xã hội dẫn dắt.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, giới thiệu về dự thảo “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Từ dự thảo, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh các nội dung: Nhận diện, đánh giá tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng và công tác rà quét, phát hiện, xử lý tin giả; trao đổi về công tác đấu tranh, phản bác tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng Cẩm nang nhận diện và phòng chống tin giả.
Trao đổi về nội dung này, GS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Việc xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết. Hội thảo có nhiều tham luận thú vị, cung cấp tư liệu từ lý thuyết đến thực tiễn rất kỹ lưỡng, đa chiều”.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cho rằng, một trong những biện pháp để ngăn chặn, giảm tình trạng tin giả là chủ động thông tin cho báo chí.
"Chúng tôi rất mong được Bộ hỗ trợ một hệ thống thông tin dữ liệu lưu trữ có liên kết từ Bộ cho tới Sở Thông tin & Truyền thông các địa phương. Trên đó, các cơ quan báo chí hay người dùng mạng xã hội có thông tin vi phạm thì có thể cập nhật. Như vậy, dữ liệu này luôn được bổ sung, duy trì. Bộ cũng có thông tin đối với các cơ quan báo chí, chúng ta có thể rút kinh nghiệm và những người tham gia mạng xã hội có thể xử lý", Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội nói.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Tin giả nhưng hậu quả là thật với mọi mặt kinh tế - xã hội. Ông cũng dẫn chứng, trải qua 2 năm dịch bệnh càng thấy rõ tác động của tin giả ảnh hưởng đến đời sống.
Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù Bộ TT&TT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện.
Tuy nhiên, tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần tự trang bị kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.
Từ đầu năm đến nay, Bộ TT&TT đã tăng cường quản lý các mạng xã hội, yêu cầu 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok, Apple xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC, trực thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử) đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu, độc.
Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã thiết lập được hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương để tăng cường phối hợp xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Chúng ta phải chống tin giả bằng sức mạnh của sự thật có kiểm chứng của báo chí. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử bổ sung trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, các cơ quan báo chí, quy định rõ trách nhiệm của các nhà quảng cáo và phát hành quảng cáo vào Cẩm nang Phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”; và, quan trọng hơn cả trong “cuộc chiến” chống tin giả là sự phối hợp của các cơ quan.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói: Đây không chỉ là việc của cơ quan Nhà nước mà phải chuyển thành hành vi của người dùng, thành nhận thức của xã hội, thành những thứ dễ dàng, dễ hiểu, dễ áp dụng.
"Chúng ta có quyền tỏ thái độ rõ ràng trong việc không ủng hộ việc phát tán tin giả bằng mọi hình thức; chúng ta có kỹ năng làm việc đó, có phương pháp để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội và đang phát tán tin giả phải tuân thủ", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Hội thảo xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nằm trong Dự án "Phát triển báo chí Việt Nam 2020-2024" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Sau 2 năm triển khai, dự án đã tổ chức thành công hơn 20 hoạt động bao gồm tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn về công nghệ, báo chí, xuất bản, sách…, tiếp cận được đến với gần 3.000 cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước.