- Tôi và chồng đã đưa đơn xin ly hôn lên Tòa án, nhưng khi Tòa triệu tập các đương sự để lấy lời khai và tổ chức hòa giải thì năm lần bảy lượt, chồng tôi đều trốn tránh không chịu đến. Tôi biết anh ta sợ ly hôn sẽ phải trợ cấp cho con cái, nên chỉ muốn ly thân để cặp bồ và không cần quan tâm đến con. Xin luật sư cho biết trong trường hợp này nếu chồng tôi cứ tiếp tục không đến Tòa thì phải làm thế nào? Tôi có được đơn phương xin ly hôn không?
TIN BÀI KHÁC
Chồng tôi không dám ly hôn vì sợ phải chu cấp cho con (Ảnh minh họa) |
Điều 51 Luật hôn nhân và gi đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trường hợp của bạn, cả bạn và chồng đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Cụ thể, Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia
Nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người chồng cố tình không có mặt thì tòa lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu người chồng vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cụ thể là:
“Điều 200. Sự có mặt của bị đơn tại phiên toà
1. Bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.
2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.
Như vậy, theo các quy định trên, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn cho bạn kể cả khi chồng bạn không có mặt tại phiên tòa.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐTP TANDTC thì “Trong trường hợp bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt, thì Toà án lập biên bản về việc không tiến hành hoà giải được do bị đơn vắng mặt và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung”. Như vậy, trường hợp của bạn thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc