Thời gian gần đây dư luận và báo chí rất quan tâm đến vấn đề tìm phương pháp chữa những vết lở loét cho cụ rùa mà nguyên nhân được cho là do nấm hoặc rùa tai đỏ tấn công. Tuy nhiên, các nhà khoa học  vẫn  tiếp tục tranh luận và chưa có biện pháp cụ thể nào tối ưu để chữa trị cho cụ rùa.

TIN BÀI KHÁC


Theo Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội thì tới ngày 25/2 sẽ là hạn cuối cùng quyết định phương pháp cứu chữa cho  cụ rùa và đồng thời với đó là việc diệt rùa tai đỏ để đảm bảo cụ rùa không tiếp tục bị xâm hại.


Cụ rùa bị nhiều vết lở loét trên cơ thể (Nguồn: Thể thao và Văn hoá)

Phương pháp đang được Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cân nhắc đó là phương pháp chăm sóc cụ rùa tại bể bơi thông minh đặt trong lòng hồ của TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia về thủy sản.

Bể bơi được lắp đặt chìm trong lòng hồ và sử dụng máy bơm nano, từ tính cân bằng ngay nước hồ để đảm bảo đủ tiêu chuẩn trước khi chảy vào và tránh làm xáo trộn môi trường sống của cụ rùa. Sau đó mới đưa cụ rùa vào bể bơi thông minh này để thực hiện các biện pháp chăm sóc và điều trị vết thương cho tới khi khỏe mạnh mới được thả lại hồ.

Hôm nay (21/2), Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, các nhà khoa học và thành phố HN sẽ tiếp tục bàn bạc để thống nhất quyết định giải pháp tối ưu cứu cụ rùa khỏi nguy kịch.

Trước đó ngày 15/02, Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc tế gồm nhiều nhà khoa học trong nước và một số nhà khoa học nước ngoài tham dự để lắng nghe và tiếp thu các giải pháp bảo vệ, bảo tồn rùa ở Hồ Gươm. GS Hà Đình Đức, một người đã 20 năm nghiên cứu về Hồ Gươm và rùa thì cho rằng yếu tố quan trọng nhất là cải tạo môi trường nước và điều kiện sinh sống là việc làm cấp bách nhất. GS đã chỉ ra 8 giải pháp cấp bách để cứu cụ rùa như kiểm tra đáy hồ, nạo hút bùn, kiểm tra hệ thống thoát nước thải ra hồ, đưa cụ rùa lên để chữa trị, cấm phóng sinh rùa tai đỏ... Chuyên gia nuôi rùa Nguyễn Ngọc Khôi cũng từng đưa giải pháp trộn thức ăn lẫn thảo dược trong đó có bột tam thất để chữa vết thương cho cụ rùa.

Trần Đức