- Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi một việc như sau: Tháng 03/2015 tôi ký hợp đồng thuê nhà với một công ty Cổ phần xuất khẩu nông sản để thuê mặt bằng của công ty nhằm mở phòng tập thể hình, thời hạn của hợp đồng là 5 năm, thanh toán tiền 1 năm 1 lần cho đến nay.

Trong hợp đồng ghi Mục đích cho thuê là làm văn phòng (vì công ty không kinh doanh phòng tập thể hình); chỉ phá hợp đồng khi nhà nước thu hồi mặt bằng, không ghi rõ bồi thường mà chỉ theo phán quyết của tòa án; hợp đồng được công ty đóng dấu công ty, tôi ký vào hợp đồng và không có cơ quan công chứng.

Xin luật sư cho biết, bây giờ công ty trên đơn phương phá vỡ hợp đồng để chuyển đổi mục đích sử dụng của tòa nhà nơi tôi đang thuê thì tôi có được bồi thường không? Nếu công ty không chịu thỏa thuận thì tôi có thể khởi kiện được không? Hay hợp đồng của tôi không có hiệu lực pháp luật? Nếu có thể kiện thì cần làm những thủ tục gì?

{keywords}
Tôi đang kinh doanh bình thường thì bị phá vỡ hợp đồng (Ảnh minh họa)

Theo Ðiều 500 Bộ luật dân sự 2005 quy định về thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì quy định tại các điều từ Ðiều 492 đến Ðiều 499 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc thuê nhà sử dụng vào mục đích khác không phải là thuê nhà ở”.

Bộ luật Dân sự 2005, quy định cụ thể về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng tại Điều 498 như sau:

“1. Bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

b) Sử dụng nhà không đúng mục đích thuê;

c) Cố ý làm nhà hư hỏng nghiêm trọng;

d) Sửa chữa, đổi hoặc cho người khác thuê lại toàn bộ hoặc một phần nhà đang thuê mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cho thuê;

đ) Làm mất trật tự công cộng nhiều lần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt bình thường của những người xung quanh;

e) Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường.

2. Bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không sửa chữa nhà khi chất lượng nhà giảm sút nghiêm trọng;

b) Tăng giá thuê nhà bất hợp lý.

c) Quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

3. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà phải báo cho bên kia biết trước một tháng, nếu không có thoả thuận khác.”

Căn cứ theo quy định trên thì bên cho thuê nhà cũng như bên thuê nhà đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt chỉ được thực hiện nếu như bên cho thuê thuộc vào một trong các điều kiện quy định tại khoản 1, bên thuê thuộc vào một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều Luật đã nêu ở trên, đồng thời, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên kia biết trước 1 tháng.

Trong trường hợp, bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thê nhà không tuân theo nội dung của quy định trên thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 426 Bộ Luật Dân sự năm 2005 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự:

“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.”

Trong trường hợp không thỏa thuận được bạn có thể khởi kiện tại Tòa án.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc