Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành giáo dục Thủ đô đạt được trong năm học vừa qua khi qua theo dõi, trong công tác quản lý dạy và học, những vụ việc gây ra bức xúc dư luận xã hội dù vẫn còn nhưng đã giảm. “Những đơn thư phản ánh kiến nghị của người dân đã ít hơn, khẳng định điều này”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. |
Về công tác triển khai đổi mới chương trình dạy và học, địa phương có thể căn cứ vào thực tế để chọn chương trình, SGK để dạy cho học sinh.
Do đó ông Chung cho rằng cần phải đánh giá rất thực tiễn các vùng miền, vùng nào cần học và không cần học cái gì “để đạt được mục tiêu sản phầm đào tạo nên là gì?”
Ông Chung bày tỏ quan điểm: “Tôi thì nghĩ đơn giản thứ nhất là các em phải có sức khỏe, thứ hai coi trọng đạo đức, thứ ba là có kiến thức và tri thức. Để làm sao những sản phẩm của chúng ta không chỉ đáp ứng cho đất nước mà còn đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị cần đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu.
“Hiện nay, tôi nghĩ đại bộ phận chúng ta đều thấy con em chúng ta học chương trình nặng quá, quá tải về kiến thức. Nhưng những kỹ năng sống hay những môn để phát huy được trí tuệ hoặc học thêm những tri thức của thế giới, hay ngoại ngữ rồi tin học thì thời lượng quá ít”, ông Chung nói.
“Khi đủ 18 tuổi học xong lớp 12 trở thành 1 công dân thì các em phải các trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Như luật giao thông đường bộ, bằng lái xe là phải có hết. Thế nhưng thực tế là sau đó chúng ta mới đi học rời rạc, gây tốn kém. Cần phải làm sao để ngay từ trong trường phổ thông, có thể tích hợp những việc đó. Những điều này ở các nước ngoài đã làm thành công thì chúng ta nên nghiên cứu và vận dụng, học hỏi kinh nghiệm. Nếu tích hợp được vậy thì cũng giúp các cháu tiết kiệm được và dành công sức đó để học thêm những tri thức khác”.
Ông Chung cũng bày tỏ mong muốn thầy và trò ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào những tồn tại, những vấn đề còn gây bức xúc như bạo hành học đường, an toàn thực phẩm,… và “học” cả những vấn đề đã xảy ra ở hệ thống giáo dục của các tỉnh, thành khác. “Cần phải học cả những sai sót của người khác để rồi không mắc phải”, ông Chung nói.
Thanh Hùng
Đừng đặt nặng chuyện học sinh phải “qua hay không qua” thể dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phản đối việc đặt nặng đánh giá học sinh ở những giờ học thể chất bằng “qua hay không qua” mà cần chú trọng sự tiến bộ, khơi dậy sự đam mê, hứng khởi.