Chiều 17/7, UBND TP Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP cho biết, tính đến ngày 28/6, toàn thành phố đã kích hoạt hơn 4,2 triệu tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 67,8%.

Các đại biểu thăm quan các mô hình triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại trụ sở UBND TP Hà Nội. (Ảnh: Quang Phong)

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, vừa qua, HĐND TP đã thống nhất quy định mức phí 0 đồng đối với tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến.

Ông Hùng cho biết, đến nay, thành phố đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức; thực hiện kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố với các bộ, ngành theo quy định.

Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề nghị Hà Nội quan tâm hơn công tác chuyển đổi số năm 2023 và giai đoạn 2020-2025.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và chủ tịch các quận, huyện phải thường xuyên giám sát, định kỳ chấn chỉnh, nhắc nhở về quản lý và nguồn kinh phí cho chuyển đổi số, đảm bảo chi đúng mục tiêu.

Về hạ tầng số, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng mong muốn thời gian tới, TP Hà Nội quan tâm, củng cố trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đã được thành phố xây dựng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề nghị Hà Nội quan tâm hơn công tác chuyển đổi số.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng cần tập trung vào một số dịch vụ công trực tuyến mang lại lợi ích cụ thể, đột phá mà ai cũng nhìn thấy được.

“Bộ TT&TT đã hướng dẫn và triển khai 20 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Rất mong Hà Nội quan tâm thực hiện 20 nhiệm vụ, giải pháp này”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, với quyết tâm chính trị lớn, vào cuộc đồng bộ, Hà Nội đã có những kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 -PV).

Với những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội, Bộ Công an sẽ phối hợp cùng các bộ ngành tháo gỡ. “Làm sao để người dân và khách quốc tế đến Thủ đô ít phải sử dụng giấy tờ nhất”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn đã hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số. Theo ông, bên cạnh nhận thức đúng đắn, người đứng đầu các đơn vị cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số.

Người đứng đầu chính quyền TP cho rằng, khi nào cán bộ, công chức còn tư tưởng ‘khoán trắng’ cho cán bộ tin học thì lúc đó chuyển đổi số còn thất bại. Muốn việc này thành công, theo ông Thanh, cán bộ phải nhận thức chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" và phải đổi mới trong từng lĩnh vực.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo, điều hành quyết liệt để tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Trong đó, các sở, ngành tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định thành phố sẽ huy động, đảm bảo nguồn lực cho cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Đồng thời, đẩy mạnh bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.