Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

4 nội dung giám sát

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đoàn giám sát tập trung vào 4 nội dung. Đó là, tình hình thực hiện chủ trương; kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Một nội dung nữa là đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cùng với đó, là giám sát việc đánh giá tính hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Nội dung giám sát nữa là các bài học kinh nghiệm, cách làm hay, có hiệu quả trong việc xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính, vận động, thuyết phục nhân dân đồng thuận với phương án sắp xếp, lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính; các kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện phương án sắp xếp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết trong giai đoạn vừa qua, có 45 tỉnh thành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã cả giai đoạn.

Trong tháng 8 vừa rồi, Bộ Nội vụ có báo cáo tổng kết, đánh giá về thực hiện Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có điều chỉnh. Đây là căn cứ để sắp xếp các đơn vị hành chính từ 2022 trở về sau.

Thứ trưởng Nội vụ băn khoăn khi Nghị quyết Đại hội XIII có 1 câu rất quan trọng: “Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu để thực hiện với cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”. Tuy nhiên trong Luật Quy hoạch lại bỏ quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Vì vậy sắp tới sẽ rất khó trong rà soát, đánh giá, tổng kết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Luật Quy hoạch không có loại quy hoạch đơn vị hành chính, cho nên các việc sắp xếp các đơn vị hành chính vẫn làm bình thường không theo Luật Quy hoạch.

Cứ phải 4 mắt, không nghe một chiều

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi giám sát cần quán triệt một số nội dung. Những địa phương nào trong diện sắp xếp cấp huyện, cấp xã thì tiêu chí chính là dân số và diện tích nhưng còn có một số tiêu chí về đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống…

Trong mọi trường hợp, địa phương phải có đề án. Cho nên khi giám sát, không máy móc chỉ dựa vào 2 tiêu chí dân số, diện tích.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát phải trả lời được 2 vấn đề. Thứ nhất là sau sáp nhập thì tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối đi liền là giảm chi phí, ngân sách sách.

“Có nơi nói 'chúng em sắp xếp, tinh giản biên chế, bộ máy tốt lắm’ nhưng cuối năm kiểm tra chi thường xuyên không giảm, hoặc có giảm chút ít. Nhiều nơi khoe này khoe kia, sắp xếp kinh lắm nhưng chi thường xuyên không giảm. Chúng ta giảm đầu mới, giảm cán bộ cơ sở… quan trọng là giảm bao nhiêu biên chế, bao nhiêu đầu mối và tiết kiệm được kinh phí như thế nào phải làm rõ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, ngoài báo cáo của tỉnh, đoàn giám sát phải bám sát số liệu của Bộ Tài chính. “Cứ phải 4 mắt, không nghe một chiều, nghe nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo thông tin khách quan, độc lập”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc sắp xếp phải đảm bảo tính đồng thuận. Sau khi sắp xếp thì tình hình ổn định, tư tưởng có thông không, có vấn đề gì phức tạp nảy sinh không?

Yêu cầu thứ 2 được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.

“Chúng ta không chỉ “sắp xếp để mà giảm”. Tinh giản, sắp xếp thế nào thì cuối cùng cũng phải là nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Nếu 2 anh yếu nhập lại thành 1 anh yếu thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều, hay 1 anh mạnh, 1 anh yếu nhập thành 1 anh yếu toàn thân thì cũng không đạt hoặc 2 anh khỏe nhập lại thành anh yếu thì chết”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Cuối cùng, theo Chủ tịch Quốc hội là phải đánh giá các chỉ số về cải cách hành chính, về năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, chỉ số hài lòng của người dân.

“Đó mới là điều quan trọng chứ không phải chúng ta làm động tác ra nghị quyết nhập tách, tách nhập”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đoàn giám sát phải trả lời 2 câu hỏi này một cách mạch lạc, rõ ràng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng giám sát phải đầu tư trí tuệ, có tổ chức, cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả; làm “đến nơi, đến chốn”, phải gắn được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Đoàn giám sát phải kiến nghị được hình thức thích đáng đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về những vấn đề có sai phạm, chậm trễ, cản trở công tác trong thi hành pháp luật.
“Chúng ta phải nghe nhiều tai, nhiều kênh, có tính chất độc lập với nhau thì mới có thể “gạn đục khơi trong được”. Chỉ nghe một chiều thôi thì không được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thu Hằng

Thành lập đoàn giám sát việc sáp nhập huyện, xã tại 45 tỉnh, thành

Thành lập đoàn giám sát việc sáp nhập huyện, xã tại 45 tỉnh, thành

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức và người lao động sau khi sáp nhập huyện, xã tại 45 tỉnh thành.