Ngày 9/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. 

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn giám sát; Phó đoàn gồm có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ngoài ra, Đoàn giám sát còn một Ủy viên - Tổ trưởng tổ giúp việc là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cùng nhiều Ủy viên khác.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Phạm vi giám sát là việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 tại 45 tỉnh, thành phố thuộc trung ương thực hiện việc sắp xếp từ tháng 1/20219 đến hết tháng 6/2021.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp.

Nội dung giám sát là kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong đó, đoàn giám sát sẽ tập trung vào việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; những thuận lợi và hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sắp xếp đơn vị hành chính; tác động của việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đến mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705, giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599.

Tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sau sắp xếp là 2.141 người. Trong đó, số lượng cán bộ, công chức cấp huyện được bố trí theo đúng quy định là 1.552 người; số dôi dư là 589 người.

Tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp là 18.834 người. Trong đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo đúng quy định là 10.346; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 8.488.

Tổng số người hoạt động không chuyên trách có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp là 14.151. Trong đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo đúng quy định là 6.428; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 7.723.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 186; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 5.832 và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 7.436.

Đối với số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho phù hợp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Thu Hằng

Không sáp nhập bộ ngành nhưng phải sắp xếp lại tổng cục trong bộ

Không sáp nhập bộ ngành nhưng phải sắp xếp lại tổng cục trong bộ

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đồng ý giữ nguyên số bộ ngành như hiện tại nhưng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, đặc biệt là các tổng cục.