Sau khai mạc và phiên toàn thể, hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tiếp tục diễn ra tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo theo đúng nghị sự với các phiên thảo luận chuyên đề vào chiều 7/9 (giờ địa phương).

Các lãnh đạo Quốc hội đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm và cấp thiết trong một thế giới đang đổi thay như ứng phó Covid-19, phục hồi kinh tế -xã hội sau đại dịch, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống…

Về chuyên đề “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu trực tiếp, nêu rõ thế giới hiện đang phải ứng phó với “thách thức kép” vừa chống dịch Covid-19 vừa tìm cách phục hồi từ sự tàn phá của đại dịch.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Đối với Việt Nam, phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững là thách thức rất lớn. Việt Nam đang ưu tiên huy động các nguồn lực, sự chung tay hành động của mọi người dân, kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp mạnh trong phòng, chống Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội cần ủng hộ, đồng hành và thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ, tăng cường rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ, giám sát phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi thực hiện cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21), chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phục hồi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững….

Cùng với đó tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng ngăn chặn đại dịch Covid-19, hỗ trợ cung cấp vắc xin, hợp tác sản xuất vắc xin, nâng cao năng lực y tế công cộng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất, ổn định chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nước phát triển giàu mạnh hơn cần đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực công nghệ cho các nước đang phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định vì đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Làm sống động chủ nghĩa đa phương để thắng Covid-19

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi tới Hội nghị hai bài phát biểu cho các chuyên đề khác nhau.

Đối với chuyên đề “Ứng phó với đại dịch Covid-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đa phương trong kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân “trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia”, hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới.

{keywords}
 

Với tinh thần tương thân tương ái, Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ nguồn lực với các nước đồng thời nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu, kịp thời của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế, san sẻ nguồn vắc xin phòng chống Covid-19, tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam để chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu, các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, không phân biệt quan điểm chính trị, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Các Nghị viện, các quốc gia cần tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Liên hợp quốc, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vắc xin nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý.

Chia sẻ công nghệ, hợp tác sản xuất vắc xin, thuốc điều trị; phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu phát triển bền vững.

Người dân là trung tâm của mọi quyết sách

Về chuyên đề “Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong đó nhấn mạnh phương châm “lấy dân làm gốc” là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động, “là nhiệm vụ khắc sâu vào tâm trí của mỗi đại biểu Quốc hội”.

Đại biểu Quốc hội phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hành động mạnh mẽ và cả Quốc hội Việt Nam là một khối đoàn kết, tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh vì lợi ích người dân, giảm thiểu tác động đại dịch, tiến lên chiến thắng đại dịch Covid-19, phục hồi, phát triển đất nước.

Quốc hội Việt Nam đã tham gia ngay từ đầu với vai trò nòng cốt trong Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời thông qua và triển khai nhiều quyết định về nguồn lực, ngân sách quốc gia và nhiều biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nghèo…

Để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, các Nghị viện cần có vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, sức sáng tạo của mọi người dân, doanh nghiệp. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, do “giãn cách” trong phòng chống dịch, cần phát huy công nghệ thông tin, chuyển đổi kinh tế số, mở rộng việc số hóa việc trao đổi thông tin và tương tác của cử tri với các nghị sỹ, giúp người dân tích cực tham gia vào các hoạt động Nhà nước.

Chiều 7/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Vienna tham dự hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần 5. Điều này một lần nữa khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của IPU, phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký IPU và các Nghị viện thành viên.

Chia sẻ những tình cảm sâu đậm như một người bạn và vui mừng trước những thành tựu mọi mặt của Việt Nam, Tổng Thư ký IPU khẳng định luôn ủng hộ Quốc hội Việt Nam và mong muốn tiếp tục có các cuộc gặp, trao đổi trực tiếp, trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội trong thời gian tới.

Tổng Thư ký IPU cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã trao tặng khẩu trang y tế cho Ban Thư ký IPU trong năm 2020 giúp phòng chống Covid-19. 

Tổng Thư ký IPU bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị về tăng cường hợp tác đa phương nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì sự phát triển của toàn thế giới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nghị viện trên toàn thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, Tổng Thư ký mong muốn Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình này.

Hai bên chia sẻ về vai trò của Liên Hợp Quốc - tổ chức nòng cốt trong hợp tác đa phương, đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc thể hiện qua thông điệp của Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gửi đến hội nghị lần này.

Tổng Thư ký IPU hoan nghênh 3 đề xuất của Chủ tịch Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và vai trò của IPU.

Thành Nam - Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội: Covid-19 là lời cảnh tỉnh cho thế giới

Chủ tịch Quốc hội: Covid-19 là lời cảnh tỉnh cho thế giới

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người.