Cử tri TP Hải Phòng cho rằng, Quốc hội khóa XV đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh đại dịch COVID, song đã hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, tích cực, ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế. Ban hành Nghị quyết đặc thù cho các địa phương trong đó có Hải Phòng. Quốc hội cũng đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng luật, đổi mới nâng cao phương thức các kỳ họp Quốc hội trực tiếp và trực tuyến chưa có tiền lệ. Tăng cường giám sát tối cao, giám sát chuyên đề. Các Nghị quyết và quyết sách của Quốc hội đã đáp ứng được niềm tin, sự mong đợi của nhân dân, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng

Theo cử tri Phạm Tiến Du, cử tri phường Trần Nguyên Hãn, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật đã khá hoàn chỉnh bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cử tri cũng rất băn khoăn, đặt câu hỏi tại sao nhiều luật mới ban hành, thời gian chưa nhiều song đã phải bổ sung sửa đổi, thậm chí có luật sửa đổi liên tục.

Cử tri Phạm Tiến Du bày tỏ mong muốn "Quốc hội cần phải đổi mới nâng cao hơn chất lượng của các văn bản pháp luật, nó phải có sức sống lâu dài ổn định. Kiên quyết không để tình trạng chậm, nợ ban hành các văn bản pháp luật. Tiến tới chấm dứt tình trạng “lách luật” trong đời sống xã hội hiện nay. Đồng thời tăng cường giám sát việc đưa luật pháp vào cuộc sống để khi ban hành luật phải đi kèm ban hành các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn kịp thời."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, Quốc hội đã và đang khắc phục tình trạng luật khung, luật ống. Vì vậy, cần nâng cao hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, minh bạch, công khai, dễ tiếp cận, để phục vụ việc kiến tạo phát triển của đất nước nhanh và bền vững, tạo điều kiện hội nhập quốc tế. Đồng thời chú trọng việc giám sát về nội dung, thời gian ban hành của các văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là nhiệm kỳ đầu tiên mà Đảng đoàn Quốc hội trình với Bộ Chính trị về đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và định hướng xây dựng pháp luật cho cả 5 năm. Trong đó có 137 nhiệm vụ về pháp luật và phân công cho các cơ quan hữu quan chủ động nghiên cứu. Khắc phục chuyện, cái mà chúng ta đang cần thì không có, chưa chuẩn bị kịp, cái có, lại chưa cần. Trước mắt có một luật rất quan trọng là Luật đất đai, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ sẽ trình với Quốc hội trong kỳ họp này quyết định đưa dự án Luật đất đai sửa đổi vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Trong Nghị quyết Trung ương đặt ra mục tiêu là hết năm 2023 phải thực hiện xong. Cho nên, dự án luật này dự kiến sẽ được trình, xem xét qua 3 kỳ họp để bàn. Đến đầu năm 2024 có thể ban hành."

Cử tri Vũ Đình Thắng, ở phường Trần Nguyên Hãn quan tâm đến vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” tham nhũng, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Với mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng hiệu quả, cử tri Thắng kiến nghị: "Đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ nghiêm minh, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, hiệu quả góp phần cảnh tỉnh răn đe, ngăn ngừa vi phạm để các tập thể, cá nhân không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế thể chế kiểm soát quyền lực với các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy Nhà nước góp phần ngăn chặn từ sớm từ xa các hành vi tham nhũng tiêu cực."

Chủ tịch Quốc hội bắt tay với cử tri

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong kết luận của Bộ Chính trị về chương trình xây dựng pháp luật 5 năm, hiện nay có 2 nội dung, Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội đang làm. Hiện đã thực hiện xong Đề án về cải cách và đổi mới về Nhà nước pháp quyền. Vấn đề thứ hai là thiết lập cơ chế phòng, chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật. Đối với hệ thống pháp luật của chúng ta, phải tiếp tục hoàn thiện theo hướng làm sao đó mà không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Không thể thì rõ ràng hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. Không muốn thì chế độ về chính sách, đãi ngộ của chúng ta sau này như tiền lương và các điều kiện khác, cần phải tiếp tục nỗ lực để cải thiện. Và cuối cùng là chế tài đủ mạnh để không dám tham nhũng.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, ở một góc nhìn khác, cử tri Lê Quý Hùng, phường Lam Sơn, quân Lê Chân nêu ý kiến: "Vừa qua trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang gồng mình để phòng chống đại dịch Covid-19 thì một số bộ phận và một số cá nhân, có cả thứ trưởng, bộ trưởng, lãnh đạo một số địa phương lợi dụng “Đục nước béo cò”, tìm mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi tham nhũng, thu lợi bất chính như vụ Việt Á, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và một số vụ khác nữa làm cho nhân dân rất bất bình. Đề nghị Quốc hội chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm khắc vi phạm về công tác phòng, chống dịch."

Cử tri Phạm Tiến Du phát biểu

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Vừa rồi, thường vụ Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng yêu cầu giải trình rõ hai việc trong lĩnh vực y tế. Một số nơi không dám mua sắm gì cả, mặc dù đã có nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và Thủ tướng, nhưng không dám mua. Ngược lại một số nơi thì mua lại sai, điển hình là vụ Việt Á. Nên sắp tới, phải tiếp tục là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Trong kỳ họp lần này, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ báo cáo với Quốc hội kết quả của kiểm toán chuyên đề việc huy động quản lý và sử dụng tất cả các nguồn lực của công tác phòng, chống dịch trong mấy năm nay.

Về lĩnh vực giáo dục cử tri phản ánh, vừa qua, dư luận xã hội xôn xao và có nhiều ý kiến về việc dự kiến năm học 2022 - 2023, học sinh các trường PTTH sẽ được quyền lựa chọn có học môn lịch sử hay không. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ, “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cùng Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tổ chức nghiên cứu, tọa đàm để xem xét lấy ý kiến của cử tri.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin tới cử tri về một số nội dung liên quan đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề hoà giải trong ngành toà án, quy hoạch, tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở, chuyển đổi số quốc gia./.

Theo VOV