- “Tại các địa phương, ngoài chỉ huy trưởng, phó phòng CSGT ít nhất PGĐ công an cũng phải thường xuyên ra mặt đường để kiểm tra xem cán bộ, chiến sĩ làm thế nào, nhất là khi công tác kiểm soát tải trọng xe không đơn giản”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác trật tự ATGT năm 2014, triển khai kế hoạch công tác năm 2015 sáng 13/1.

PGĐ Công an phải thường xuyên ra đường kiểm tra

Tại Hội nghị Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đánh giá TNGT trong năm 2014 đã giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương.

Trong đó, đáng chú ý là số người chết giảm gần 9.000 người và số người bị thương giảm 24.400 người.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cũng nhấn mạnh, trong số 63 tỉnh thành trên cả nước vẫn còn 9 địa phương có số người chết tăng, đặc biệt có 5 tỉnh, tỷ lệ tăng trên 10% là Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2014 - (Ảnh: GTVT).

Báo cáo về tình hình TNGT, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, qua phân tích những vụ tai nạn nghiêm trọng tại địa phương cho thấy ý thức người chưa tốt, TNGT ở miền núi tăng cao chủ yếu ở khu vực đường 9, đường HCM.

Việc đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, việc bảo đảm ATGT trên tuyến này chưa tốt cũng là một tác động đến việc tăng số người chết.

Về xử lý xe quá tải, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại bài học kinh nghiệm của tỉnh Hà Tĩnh, khi đích thân Chủ tịch tỉnh vào cuộc, trực tiếp vào tận các mỏ nguyên vật liệu đứng trước cửa hầm để xử lý vi phạm thì xe quá tải sẽ giảm mạnh.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đánh giá, năm 2014 TNGT còn nhiều tiềm ẩn, thiệt hại còn nhiều và nghiêm trọng.

Ông Vương cũng nhấn mạnh, việc xử lý vi phạm tải trọng xe còn tồn tại một số vấn đề. Do vậy, muốn làm được phải có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, quyết liệt.

"Tới đây, Bộ Công an sẽ tiếp tục tập trung lập chuyên đề xử lý xe quá tải, tăng cường kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT cả công khai, bí mật; thông báo bằng văn bản đến các giám đốc, nêu cao trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị", ông Vương nói rõ.

Theo ông Vương, Bộ cũng đề nghị công an tại các địa phương, ngoài chỉ huy trưởng, phó phòng CSGT, ít nhất phó giám đốc công an cũng phải thường xuyên ra mặt đường để kiểm tra cán bộ, chiến sĩ làm thế nào, nhất là khi công tác kiểm soát tải trọng xe không đơn giản.

{keywords}
Hải Dương từng bắt xe chở quá tải 651%. (Ảnh: VietNamNet)

Trước các kiến nghị của các tỉnh thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các địa phương. Trong công tác kiểm soát tải trọng xe cùng với sự hoàn thành QL1 thì toàn bộ các tuyến BOT sẽ được đặt trạm cân.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Công an, xem xét xử lý hành vi cố tình phá hoại tài sản quốc gia đối với doanh nghiệp cố tình chở quá tải.

Phê bình Lào Cai vụ xe khách lao vực

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Lào Cai, địa phương để xảy ra vụ xe khách lao xuống vực gây hậu quả thảm khốc nhất trong năm, báo cáo tình hình.

Ông Nguyễn Trọng Hài - Giám đốc Sở GTVT Lào Cai báo cao sau vụ lật xe thảm khốc tỉnh cũng đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho các cán bộ chủ chốt ở 1.000 xã phường với những hình ảnh thảm khốc của vụ tai nạn...

Ngoài ra, công tác xử lý xe quá tải cũng được địa phương bố trí lực lượng 24/24.

{keywords}
Hiện trường vụ xe khách lao vực ở Lào Cai khiến hơn 10 người tử vong. (Ảnh: VietNamNet)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thông tin phản ánh về xe vượt tuyến từ Lào Cai lên Sa Pa hoạt động lộng hành vẫn còn diễn ra nhiều.

Phó Thủ tướng thẳng thắn phê bình tỉnh Lào Cai về việc để xe khách hoạt động “chui” trên tuyến chính là nguyên nhân dẫn đến vụ xe lao vực khủng khiếp trong đợt nghỉ lễ 2/9 vừa qua.

Tiền xử phạt không nộp ngân sách

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thúy cho biết: Năm 2014, toàn tỉnh thu 67 tỷ đồng từ phạt người tham gia giao thông vi phạm nhưng nguồn chi đầu tư lại cho hoạt động kiểm soát, tăng cường công tác đảm ban an toàn giao thông cũng rất khó khăn. Do vậy tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Tài chính xem xét để có cơ chế chi cho lực lượng tuần tra kiểm soát .

Với kiến nghị để lại 100% tiền thu phạt của các tỉnh, đại diện Bộ Tài Chính cho biết, theo quy định, tất cả các nguồn thu từ tiền xử phạt phải đưa vào ngân sách sau đó mới thực hiện phân bổ lại. Năm 2014, có 2.656 tỷ đồng thu được, đã thực hiện phân bổ cho các địa phương 70% khoản này, 30% được giữ lại cho Bộ Công an để phân bổ chung.

Bộ trưởng Thăng cho biết, không chỉ Tây Ninh mà nhiều đựa phương như: TP.HCM, Bình Dương, và ngay cả Hà Nội đều lên tiếng về vấn đề này. Điều này chứng tỏ chính sách đề ra có vấn đề. Trước thực tế này, ông Thăng đề nghị cần để lại toàn bộ số tiền phạt thu được cho địa phương để tiếp tục phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Vũ Điệp