Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh và tạo các ổ dịch lớn, khó kiểm soát tại tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh, Vĩnh Phúc lập tức áp dụng và siết chặt các phương án phòng chống dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. 

Cụ thể, một số chính sách nổi bật hiện nay áp dụng tại các khu công nghiệp là yêu cầu xét nghiệm cho tất cả các công nhân làm việc tại đơn vị; hạn chế di chuyển cơ học của công nhân, chuyên gia; đề nghị công nhân quê ở các tỉnh có dịch phải ở tại địa phương, không về quê nếu muốn tiếp tục công việc tại khu công nghiệp...

{keywords}
Vách ngăn tại phòng ăn tại một khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc

Quá trình thực hiện các chính sách nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc nhận được sự đồng tình, chia sẻ của đại đa số các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nước ngoài đã phản ứng với các chính sách nêu trên, thậm chí, các phản ứng đã vượt qua giới hạn của phản ánh thông thường mà còn qua các đường văn bản, ngoại giao.

Trong số rất nhiều các phản ứng nêu trên, có bốn nhóm ý kiến nổi bật có thể kể đến như: Thứ nhất, các doanh nghiệp cho rằng, tại sao các địa phương khác không bắt buộc xét nghiệm với tất cả công nhân mà Vĩnh Phúc lại ra chính sách bắt buộc việc này? 

Hai là, vấn đề di chuyển cơ học, các địa phương khác có dịch như Hà Nội và một số tỉnh chưa hạn chế mà Vĩnh Phúc đã thực hiện và bắt buộc việc này. Ba là, một số doanh nghiệp phản ứng với chính sách hạn chế tối đa công nhân làm việc ở Vĩnh Phúc không về các tỉnh có dịch (Bắc Ninh, Bắc Giang...); và các doanh nghiệp phản ứng về chính sách đề nghị chuyên gia nước ngoài ở lại Vĩnh Phúc.

"Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn" 

Đánh giá các phản ứng nêu trên từ các doanh nghiệp, Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng "đây là vấn đề tỉnh đã dự tính trước, tuy nhiên tình thế hiện tại buộc tỉnh phải áp dụng các biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh". 

Theo ông Thành, thống kê cho thấy, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hàng trăm nghìn công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Số công nhân này sau mỗi lần tan ca, tỏa về nhà thì tương ứng với từng đấy gia đình tiếp xúc gần. 

"Nếu trường hợp có ca mắc Covid-19 thì hậu quả là khủng khiếp, không chỉ dừng lại ở các khu công nghiệp mà còn cả các khu dân cư", ông Thành nói. 

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, sau khi đợt dịch mới bùng phát, toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã gồng mình lên với đủ các phương án được thực hiện để có thành quả bước đầu là tạm thời khống chế được dịch bệnh. Đạt được thành quả trên đã khó, nhưng giữ được thành quả trên còn gian nan hơn. 

Theo ông Thành, trong bối cảnh tỉnh Vĩnh Phúc đang dùng nhiều cách, nhiều giải pháp để tìm nguồn cung ứng vắc xin Covid-19 nhưng chưa tiếp cận được với số lượng lớn, điều mà tỉnh đối mặt và phải giải quyết trước mắt là siết chặt các biện pháp phòng chống dịch đã làm ở mức độ cao hơn. 

{keywords}
Chủ tịch Lê Duy Thành đối thoại với doanh nghiệp ngày 21/5

"Bài học ở Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh... đã cho thấy, khi dịch bùng phát dữ dội tại các khu công nghiệp thì việc đình trệ sản xuất kéo dài là ai cũng có thể nhận thấy. Doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh không có việc làm, thậm chí các trường hợp mắc Covid-19 hoặc cách li vì nghi nhiễm còn để lại hậu quả nặng nề, lâu dài", ông Thành nói. 

Chia sẻ về các chính sách chống dịch tại khu công nghiệp mới đây bị phản ứng, ông Lê Duy Thành cho biết tỉnh không bất ngờ, đồng thời cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi, tỉnh phải đối diện, đối thoại và tìm cách để đi đến tiếng nói chung trên tinh thần đảm bảo an toàn giữa đại dịch.

Cụ thể, đối với phản ứng từ việc hạn chế di chuyển cơ học với các chuyên gia, Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết, tỉnh đã đưa ra 5 lựa chọn để họ có phương án tối ưu và phù hợp nhất. Cụ thể,  lựa chọn thứ nhất là làm việc online (việc này có hàng trăm người đã đồng ý);

Hai là tỉnh đồng ý cho phép di chuyển qua lại các tỉnh nhưng buộc phải xét nghiệm 3 ngày/lần, việc xét nghiệm tỉnh sẽ trực tiếp lấy mẫu, doanh nghiệp chịu các chi phí phát sinh. Ba là chuyên gia được vào ở miễn phí các khu kí túc xá miễn phí; bốn là, trường hợp muốn ở lại thì sẽ có khách sạn hạng sang với mức hỗ trợ chi phí tối đa (không quá 500 nghìn đồng/ngày). Cuối cùng, Vĩnh Phúc cho phép các chuyên gia lựa chọn chỗ lưu trú phù hợp với túi tiền trên địa bàn tỉnh. 

"Các chính sách nêu trên rất linh hoạt, mềm mỏng, và không phải được đề cập mới đây mà đã được đưa ra từ năm 2020, thời điểm hiện tại chúng tôi tiếp tục siết chặt và nâng mức độ để kiểm soát dịch bệnh", ông Lê Duy Thành nói. 

Nói về việc xét nghiệm diện rộng với công nhân, ông Thành cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm chỉ có giá trị tại thời điểm đó, tuy nhiên khi nắm được kết quả, tỉnh sẽ chủ động phương án để duy trì và giữ vững thế trận, đảm bảo áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch. 

Theo ông Lê Duy Thành, từ đầu tháng 5 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp trước khi siết chặt các biện pháp chống dịch. Điều này thể hiện sự cầu thị của tỉnh với mong muốn nhận lại sự chia sẻ từ doanh nghiệp.

Về chính sách yêu cầu công nhân ở các tỉnh có dịch ở lại Vĩnh Phúc, tỉnh cũng có quyết định hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại khu kí túc xá với hàng nghìn giường để thuận tiện trong kiểm soát lịch trình. 

"Vĩnh Phúc không hề muốn phải áp dụng các biện pháp mạnh, nhưng giữa việc chấp nhận hy sinh một số vấn đề mang tính tình thế với việc để dịch lây lan ảnh hưởng đến nhân dân, người lao động, đình trệ quá trình sản xuất chúng tôi chọn cách bảo vệ an toàn cho người dân lên trên", ông Thành nhấn mạnh. 

Đồng thời, theo ông Thành, tỉnh đang tích cực tiếp thu và tiếp tục đưa ra các giải pháp để xử lý, phản hồi thấu đáo đến từng đơn vị, cá nhân phản ứng với chính sách chung của tỉnh. 

Đoàn Bổng

Câu hỏi của Chủ tịch Vĩnh Phúc trước 300 doanh nghiệp về dịch Covid-19

Câu hỏi của Chủ tịch Vĩnh Phúc trước 300 doanh nghiệp về dịch Covid-19

Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đặt câu hỏi về việc các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp chọn an toàn chống dịch hay bất chấp nguy hiểm để gánh rủi ro?