Tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều khu dân cư bị phong toả, các khu cách ly tập trung tại nhiều địa phương vẫn đang hoạt động hết công suất.

Ngoài công tác phòng chống lây nhiễm, nhiễm khuẩn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại các khu vực này là phải đảm bảo an toàn thực phẩm để giữ gìn sức khoẻ cho người dân và cán bộ y tế, chiến sĩ.

Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trên địa bàn thành phố phối hợp xây dựng phương án bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu cách ly tập trung đối với các bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn cho các đối tượng trong khu cách ly.

Theo đó, chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được hoạt động.

Đặc biệt, các địa phương, đơn vị chú trọng kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu của các cơ sở dịch vụ ăn uống, các tổ chức, cá nhân cung cấp suất ăn sẵn từ thiện cho các khu cách ly phải bảo đảm về chất lượng thực phẩm.

Các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển vào khu cách ly tập trung được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Các trang thiết bị, dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống đảm bảo vệ sinh; dụng cụ ăn uống cho từng người riêng biệt, dùng một lần.

Người tham gia sơ chế, chế biến, chia thức ăn, giao nhận suất ăn đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và đủ điều kiện sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Hà Nội giao các địa phương cung cấp danh sách các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn gửi về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để phối hợp kiểm tra, giám sát.

TP.HCM từng là tâm dịch nóng nhất cả nước, nhiều khu cách ly phải đảm bảo 2.000 – 3.000 suất ăn trên ngày, do đó công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, giám sát.

TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng suất ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc nguyên vật liệu cung cấp và được giám sát chặt chẽ của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Song song đó, phải thường xuyên điều chỉnh món ăn, khẩu vị cho phù hợp với nhu cầu của người dân bị cách ly và lực lượng phục vụ; đảm bảo cung cấp đúng thời gian, đúng chất lượng và số lượng theo hợp đồng đã ký kết.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương phối hợp Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố chủ động kiểm tra, rà soát đối với việc cung ứng suất ăn của các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát 12 cơ sở cung cấp suất ăn cho các trung tâm cách ly tập trung, cơ quan chức năng TP.HCM đã phát hiện 5 cơ sở có sai phạm, để lây nhiễm và hoạt động không hiệu quả, từ đó yêu cầu tạm ngưng.

Tại Bắc Giang, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, các hoạt động hỗ trợ lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch, người dân tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly được triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó có hoạt động cung cấp, hỗ trợ thực phẩm.

Tuy nhiên để bảo đảm an toàn thực phẩm, tỉnh đã kiểm tra, giám sát chặt nguồn thực phẩm cung cấp cho khu vực phong tỏa, cách ly. Theo đó, thực phẩm cung cấp, hỗ trợ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả, phải bảo đảm còn nguyên vẹn, không bị hỏng, mốc, dập nát, có màu sắc tự nhiên, không có mùi, màu sắc bất thường. Sản phẩm được sản xuất, nuôi trồng tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định.

{keywords}
 Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn của Bệnh viện Công an Hà Nội cho những người phải cách ly. Ảnh: Trần Thường

Với thực phẩm đóng gói sẵn phải là những sản phẩm còn nhãn mác theo quy định, còn hạn sử dụng. Tuyệt đối không cung cấp những sản phẩm bị phồng, biến dạng, hết hạn sử dụng... gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, các tổ chức, cá nhân tự tổ chức nấu ăn để hỗ trợ (như tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm…) cũng cần bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Tại khu vực chế biến, nấu ăn tại các bếp ăn phục vụ khu cách ly tập trung chấp hành tốt các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm như thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh; đảm bảo đủ nước sạch để chế biến thực phẩm; nguyên liệu chế biến thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng; nhân viên chế biến có đủ trang phục bảo hộ lao động theo quy định, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến và chia thức ăn.

Đối với suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi được gói trong hộp kín, đảm bảo an toàn theo quy định trong quá trình vận chuyển…

Ngoài ra, thực phẩm sống và đồ ăn chín phải đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ bảo quản; biện pháp phòng chống bụi bẩn, côn trùng; phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo quản không làm ô nhiễm thực phẩm.

Minh Tú