Tại tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo địa phương xác định nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, việc làm là chiều dịch vụ xã hội cơ bản rất cần được quan tâm, đầu tư để giảm nghèo đa chiều, bền vững, tránh tái nghèo.
TP.Bạc Liêu là địa phương rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là 3 xã vùng ven: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông.
Năm qua, thành phố tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các xã này, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Riêng 9 tháng năm 2024, TP.Bạc Liêu đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 6.150/7.500 lao động, đạt 82% so với kế hoạch, tăng 5,33% so với cùng kỳ. Trong đó, tổ chức đào tạo nghề cho 3.540/4.200 lao động, đạt 84,28%, tăng 17,41% so với cùng kỳ; và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 43/60 lao động, đạt 71,67% so với kế hoạch, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Đào tạo nghề được xem là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tham gia các lớp đào tạo, giúp bà con có được nghề phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, gia đình anh Thạch Nga (ấp Biển Đông A) không đất sản xuất, thu nhập chính dựa vào nghề đặt nò trên sông quanh năm lặn ngụp, vất vả vậy nhưng bữa cơm cho 4 nhân khẩu trong nhà anh vẫn thiếu trước hụt sau.
Vợ chồng anh Nga mong ước chăn nuôi thêm gà, vịt để có thêm thu nhập, song do thiếu kiến thức về phòng trị bệnh cho gia cầm nên chưa mạnh dạn nuôi. Nắm bắt được nhu cầu của gia đình, mới đây, UBND xã Vĩnh Trạch Đông tạo điều kiện cho anh tham gia lớp “Chăn nuôi và phòng trị bệnh cho vịt”, đồng thời hỗ trợ con giống, thức ăn để gia đình phát triển mô hình nuôi vịt xiêm Pháp.
Có kiến thức, kỹ thuật, đàn vịt phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt rất ít. Người đàn ông này tính toán, sau khi đàn vịt cứng cáp, anh sẽ bao lưới, làm chuồng nuôi thả và tranh thủ đặt thêm nò bắt cá cho vịt ăn để tiết kiệm chi phí. Dự kiến, sau 3 tháng nuôi sẽ gả bầy và tái đàn với số lượng nhiều hơn, giúp gia đình có nguồn thu ổn định dài lâu.
Tại huyện Hoà Bình, theo báo cáo của UBND huyện, trong năm 2024, huyện đã giải quyết việc làm cho 3.364 người (đạt 112,13% so với chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, vượt 12,13% so với Nghị quyết) và đưa 104 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 148,57% so với chỉ tiêu kế hoạch).
Trong đó, số lao động qua đào tạo nghề của năm 2024 là 1.646 lao động (đạt 109,73% so với kế hoạch năm), nâng tổng số lao động qua đào tạo là 57.640 người (vượt 0,06% so với chỉ tiêu Nghị quyết).
Tại xã Vĩnh Hậu (huyện Hoà Bình), những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, xã đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Trong năm 2024, xã Vĩnh Hậu có 154 lao động được đào tạo nghề, đạt hơn 128%, nâng tổng số lao động qua đào tạo là hơn 2.500 người. Cùng với đó, 6.030 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 2 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Để hỗ trợ người lao động, hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện kinh tế, xã cũng thực hiện tốt chính sách cho vay ưu đãi tín dụng từ các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo với hơn 2.700 đối tượng được thụ hưởng, số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Bằng nhiều giải pháp linh hoạt để chăm lo bù đắp chiều thiếu hụt về việc làm cho người dân nghèo khó, công tác giảm nghèo đa chiều của xã Vĩnh Hậu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số hộ nghèo năm nay giảm còn 39 hộ, chiếm tỷ lệ 1,3%; hộ cận nghèo còn 19 hộ, chiếm tỷ lệ 0,64%.
Các chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhờ sự phối hợp giữa địa phương với các sở, ngành cũng được triển khai đã tạo thêm cơ hội cho người dân nghèo ở xã Vĩnh Hậu A vươn lên, có việc làm ổn định.
Cụ thể, trong năm qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện Hoà Bình tổ chức 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, thu hút 142 học viên tham gia. Các lớp học này tập trung vào những ngành nghề phù hợp với địa phương như nuôi cua và nuôi gà, giúp người dân nâng cao tay nghề và phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, xã còn tổ chức hai cuộc tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và tư vấn việc làm cho hơn 85 lượt người, góp phần tăng cường ý thức bảo vệ quyền lợi lao động và tìm kiếm việc làm phù hợp cho người dân.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, 10 tháng đầu năm, tỉnh đào tạo nghề cho hơn 13.500 người; giải quyết việc làm cho 19.940 người, vượt kế hoạch năm. 568 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Nhật Bản có 326 người, Đài Loan (Trung Quốc) có 199 người, Hàn Quốc có 41 người; vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Đến nay, công tác đào tạo nghề tại Bạc Liêu cơ bản phù hợp với nhu cầu người học. Sau học nghề, phần lớn lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập tăng lên. Kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hướng đến giảm nghèo bền vững.