Đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang có trụ sở tại Thành phố Bắc Giang, trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang. Các ngành nghề thuộc trọng tâm đào tạo của trường thuộc lĩnh vực kỹ thuật như: Công nghệ Ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại, thiết kế đồ họa…

{keywords}
Lớp học lý thuyết được trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn Hàn Quốc.

Số lượng học sinh - sinh viên đang theo học tại đây là hơn 3.000. Những năm qua, trường đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Công Thông, hiệu trưởng nhà trường cho biết, nguồn lao động chất lượng cao là một bộ phận người lao động được đào tạo dài hạn, có chuyên môn kỹ thuật cao, có phẩm chất đạo đức, thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ, biết vận dụng sáng tạo những tri thức và kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất.

Để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà trường luôn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao chất lượng giáo viên. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tăng cường nghiên cứu khoa học, trau dồi kỹ năng, tay nghề, lập dự án khởi nghiệp…

{keywords}
Đào tạo nguồn lao động chất lượng cao là mục tiêu quan trọng của trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn. 

Song song với đó là đầu tư công nghệ và kỹ thuật hiện đại, đưa các bài học thực tế vào giảng dạy và mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo cho giáo viên cũng như sinh viên qua các chương trình hợp tác và liên kết đào tạo.

Cụ thể là trường Đại học KOREATECH - trường có tiếng về đào tạo kỹ sư ngành tự động hóa – công nghiệp (chế tạo robot công nghiệp) tại Hàn Quốc và là đơn vị cung cấp nguồn lao động chính cho một tập đoàn điện tử lớn.

Trong đó, trường KOREATECH sẽ trao đổi thông tin và tài liệu đào tạo; chương trình học bổng cho giảng viên xuất sắc để nâng cao tay nghề và hỗ trợ đào tạo thạc sỹ; học bổng cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc có cơ hội học tiếp 2 năm tại ĐH KOREATECH để lấy bằng kỹ sư công nghiệp.

Các đối tượng không được học bổng nhưng có đủ năng lực và ngoại ngữ có thể thi học liên thông 2 năm để lấy bằng kỹ sư công nghiệp tại Đại học KOREATECH.

{keywords}
Xưởng thực hành nghề công nghệ ô tô.

Cũng theo thông tin từ nhà trường, hàng năm 100% sinh viên được thực tập trải nghiệm tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đào tạo. Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn từng 2 lần được Viện Giáo dục Kỹ thuật Thực hành Hàn Quốc (KIPEE) đánh giá đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng của Chính phủ Hàn Quốc. 

Việc đánh giá dựa trên 7 tiêu chí. Các chỉ số được đánh giá cao như: Hoạt động dạy và học; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ, dịch vụ sinh viên… Chứng nhận kiểm định có thời hạn trong 3 năm. Gần đây nhất, chứng nhận kiểm định của Viện KIPEE trao cho trường là năm 2018 và có giá trị đến tháng 12/2021.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp

Ngoài công tác đào tạo, trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn cũng chú trọng đến việc hướng nghiệp và liên kết tìm đầu ra cho sinh viên.

Tính đến nay, nhà trường đã thực hiện liên kết với hơn 50 doanh nghiệp, trường đại học trong nước và quốc tế ở các nghề như: May mặc, điện tử, điện dân dụng, công nghệ thông tin, sửa chữa và lắp ráp ô tô.

Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, đạt hơn 95%. Ngoài ra, nhiều sinh viên được đào tạo ngoại ngữ để xuất khẩu lao động sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Anh Tạ Tiến Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí – Động lực cho hay, việc hướng nghiệp và tạo cơ hội về đầu ra cho sinh viên rất quan trọng. Các sinh viên khi ra trường, có công việc phù hợp với bản thân và ngành nghề đã học sẽ phát huy được hết khả năng và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động ở cấp độ địa phương và quốc gia, qua đó, làm tăng năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh quốc gia. 

{keywords}
Một giờ học của trường

Về lĩnh vực cơ khí mình phụ trách đào tạo, anh Thịnh chia sẻ, công tác hướng nghiệp không chỉ tác động đến nhu cầu lao động và năng suất lao động mà còn liên quan đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

Cách đây 5 năm, nghề cơ khí chưa hấp dẫn được người lao động. Nhiều người vẫn còn mang nặng cảm giác nghề cơ khí là lấm lem dầu mỡ, làm việc trực tiếp với kim loại… Ngày nay với sự phát triển của công nghệ với nhiều máy móc hiện đại, công việc của người công nhân cơ khí đã được hỗ trợ rất nhiều.

Cơ khí hiện đại bao hàm cả công nghệ thông tin, điện. Người lao động làm việc trong lĩnh vực cơ khí là sử dụng máy móc có kết nối với máy tính. Toàn bộ được lập trình trên máy tính và đưa phần đã lập trình vào hệ thống gia công và bấm nút. Công việc nhẹ nhàng rất nhiều so với các ngành nghề khác.

“Trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo, các ngành nghề kỹ thuật ngày càng phát triển. Nhu cầu lao động có tay nghề cơ khí, biết sử dụng thành thạo máy móc, thiết kế… cao nhưng lại thiếu lao động.

Nếu chúng tôi không chú trọng vấn đề hướng nghiệp cho học sinh từ cấp THPT, chắc chắn họ sẽ không đăng ký tham gia học. Từ đó, nguồn cung không đáp ứng được cầu”, anh Thịnh chia sẻ.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được khoa Cơ khí – Động lực giới thiệu đến các doanh nghiệp làm việc. Các doanh nghiệp liên kết với nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu việc làm.

{keywords}
Nhà xưởng thực hành có công nghệ máy móc hiện đại.

Trong các buổi hội thảo sinh viên được cung cấp thông tin về quy mô, lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; điều kiện để được ký hợp đồng lao động; mức lương cơ bản, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội khác.

Sau khi nghiên cứu, sinh viên tự nguyện làm đơn đăng ký tham gia chương trình thi tuyển.

“50% sinh viên của khoa tôi quản lý trúng tuyển vào các ngành nghề như điện tử, viễn thông… Mặc dù các em không làm đúng ngành nghề cơ khí được đào tạo nhưng cũng là cơ hội để phát triển”, thầy Thịnh nói.

Theo anh Thịnh, 50% sinh viên còn lại của khoa được làm đúng chuyên môn được đào tạo. Nhiều em giữ vị trí quản lý chuyên môn hay vị trí quan trọng trong công ty sau một vài năm làm việc.

Mức lương ngành cắt gọt kim loại mặt bằng chung là 8–10 triệu/tháng. Phần lớn sinh viên ở đây khi đi làm chỉ cần 1 tuần là bắt nhịp được với guồng công việc, doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo lại.

“Thực tế, nhu cầu của xã hội và của người lao động lớn nhưng định hướng của người dân về học nghề chưa sâu. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, công tác hướng nghiệp cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Để giúp các bậc phụ huynh cũng như con em mình có sự lựa chọn sáng suốt cho tương lai”, thầy Tạ Tiến Thịnh chia sẻ.

Quang Sơn