Phú Giáo là huyện nông nghiệp, với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Để bắt nhịp xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, huyện đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên và nâng cao giá trị kinh tế của nông sản.
Xác định ứng dụng công nghệ cao và các quy trình hữu cơ, an toàn trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu, những năm qua, huyện Phú Giáo đã đẩy mạnh khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp của Phú Giáo đang chuyển mình sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Đến nay, huyện đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang...
Theo báo cáo của huyện Phú Giáo, toàn huyện hiện có 103 hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 416 hộ, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1000ha, tăng 237 cơ sở, hộ so với năm 2020, trong đó đã có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao.
Đó là mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tại xã An Bình. Đây là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, bình quân mỗi năm HTX đạt doanh thu trên 45 tỷ đồng..
Tại xã An Bình còn có mô hình chăn nuôi gà trại lạnh khép kín của hộ gia đình ông Đinh Ngọc Khương ở ấp Nước Vàng. Trang trại có quy mô khoảng 3ha, với hơn 400 nghìn con gà các loại; trong đó có 35 nghìn gà giống; mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu gà con cho nông dân có nhu cầu và cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn con gà thịt. Mỗi năm, trang trại có doanh thu hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Bên cạnh việc thực hiện chăn nuôi tại trang trại, ông Khương còn tổ chức liên kết với nhiều trang trại khác.
Hay như khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái với quy mô hơn 400ha chủ yếu trồng cây ăn trái. Doanh nghiệp này có 2 sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chủ lực là dưa lưới và chuối già hương được xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Âu, châu Á và trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tạo công việc ổn định cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương mà khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái hiện đang chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân, kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cho người nông dân.
Song song đó, huyện cũng đã có các chính sách, biện pháp hỗ trợ bà con nông dân thực hiện hiệu quả các mô hình. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 30 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 876 tỷ đồng, đã giải ngân được 773 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm.
Trên địa bàn Phú Giáo hiện có nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư. Huyện Phú Giáo cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã thành lập và ra mắt thêm 2 HTX là HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đoàn Nông (ở xã An Bình) và HTX nông nghiệp An Thái, nâng tổng số trên địa bàn đang hoạt động là 28 HTX.
Việc phát triển kinh tế tập thể HTX cũng như của các trang trại đã góp phần trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, như ủng hộ địa phương làm đường giao thông nông thôn; cùng nhau góp vốn và liên kết các tổ, nhóm sản xuất hoạt động có hiệu quả. Trong đó phải kể đến Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (Chương trình OCOP) của huyện. Đến nay, Phú Giáo đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao.
Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo Đoàn Văn Đồng cho biết, thời gian tới, Phú Giáo vẫn lấy nông nghiệp làm phát triển chủ lực và tiếp tục chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để làm tăng giá trị sản phẩm, đồng thời bảo đảm chất lượng và thương hiệu sản phẩm của địa phương trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Những thành tựu đã đạt được trong việc ứng dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo nền tảng cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình làng thông minh hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh, trở thành nơi đáng sống, một trong những biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương, bảo đảm một trong các mục tiêu xây dựng nông thôn bền vững.