Cách nay hơn 2 năm, phiên chợ "Tự hào hàng Việt Nam" năm 2019 mở đầu chuỗi hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn của siêu thị Tứ Sơn tại Dinh Sơn Trung Đức Cố Quản Trần Văn Thành (xã Vĩnh An, huyện Châu Thành) diễn ra 4 ngày 3 đêm. Phiên chợ mang đến trên 4.000 mặt hàng với nhiều kiểu dáng đa dạng của trên 80 nhà cung cấp, nhà sản xuất có thương hiệu mạnh, nổi tiếng ở Việt Nam. Tại phiên chợ, khách hàng thích thú khi mua sắm hóa đơn 400.000 đồng được nhận ngay quà tặng 2 ly sứ cao cấp có in hình ảnh các địa điểm, di tích nổi tiếng của An Giang. Sản phẩm bán tại các phiên chợ đều là sản phẩm chất lượng được kiểm soát, giá cả thật sự phù hợp thị trường.
Từ đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn tại An Giang được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt. Doanh số bán hàng mỗi năm ngày càng tăng cho thấy tín hiệu tích cực của chương trình, đặc biệt là tổ chức phiên chợ theo hình thức siêu thị di động được người dân nhiệt tình ủng hộ. Trong thời gian tới để cuộc vận động ngày càng đạt hiệu quả, đòi hỏi các ngành chức năng phải không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự chung tay hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định giá cả thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm và từ đó giúp cho hàng hóa Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa.
Để chương trình ngày càng thực chất, giữ được niềm tin của người tiêu dùng, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm 2021 đã được tỉnh An Giang thực hiện khá tốt, từng bước đi vào chiều sâu, nhận thức chung trong cộng đồng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng nâng cao; nhiều kênh thông tin tuyên truyền thời gian qua đã phát huy hiệu quả, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, người tiêu dùng nhận thức rõ hơn những quyền cơ bản được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; hiểu và nắm khá rõ hệ thống các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tìm hiểu nguồn thông tin về sản phẩm, hàng hóa trước khi chọn mua.
Qua triển khai thực hiện, cuộc vận động đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đa số người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh, phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm; xây dựng điểm bán hàng Việt Nam ở cấp huyện đã giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân.
Theo đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giữ thị phần hàng Việt tại An Giang với tỷ lệ trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử,…) và trên 85% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, bách hóa,…); doanh thu bán lẻ của tỉnh (khu vực kinh tế trong nước) chiếm tỷ lệ từ 85-90% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp tại An Giang biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp tại An Giang biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tại An Giang tham gia Phong trào này.
100% các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền và xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Xây dựng và nhân rộng 04 - 06 Điểm bán hàng Việt tại An Giang với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
Thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tạo sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa An Giang như: các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP,…
Nâng cao chất lượng và quảng bá rộng rãi hàng Việt chất lượng cao; Lập danh sách hàng Việt chất lượng cao có mặt trên địa bàn tỉnh và 100% hàng hóa trong danh sách đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, có những chính sách phù hợp; Xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dung.
Để triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong thời gian tới, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt tại An Giang; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam, hàng đặc sản địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp An Giang trong các hoạt động xúc tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp An Giang ứng dụng các phần mềm tiện ích, nghiệp vụ thương mại điện tử, mô hình công nghệ 4.0 và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thiết lập sàn giao dịch thương mai điện tử, giới thiệu hàng hóa An Giang chất lượng cao, sản phẩm OCOP, kết nối người mua-người bán; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Nguyễn Bổng