Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Để thực hiện những mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, để đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. 

Từ năm 2005 đến nay bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Nam Định đã đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, triển khai 37 nhiệm vụ kjoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chế biến nông lâm thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

Hiện trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, Nam Định đã xây dựng được 39 chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô liên huyện, liên tỉnh, được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Thông tư số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN và PTNT.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng và phát triển được 330 sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao; 133 cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP); 1 doanh nghiệp được chứng nhận đang trong quá trình chuyển đổi theo yêu cầu của TCVN 11041-2:20-17 về trồng trọt hữu cơ và 1 vùng nuôi liên kết Lenger Farm 500ha tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được chứng nhận nuôi bền vững theo tiêu chuẩn ASC (là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động).

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tư vấn, hướng dẫn 150 cơ sở xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc (QR code), 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất; tư vấn hỗ trợ xây dựng, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho trên 320 cơ sở với gần 700 lượt sản phẩm nông nghiệp. Qua đó góp phần khẳng định thương hiệu, tạo môi trường lành mạnh, nâng cao giá trị thương mại và tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất giống cây trồng, chăn nuôi đến chế biến và nuôi thủy sản.

Điển hình là các đề tài, dự án: “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu tuyển chọn, lưu giữ và nhân nuôi sinh khối một số loài tảo giàu dinh dưỡng làm thức ăn nuôi ngao giống trên địa bàn tỉnh Nam Định”, “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định”…

Trong sản xuất, các doanh nghiệp, HTX, nông dân đã tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất; ứng dụng công nghệ cao như sử dụng nhà màng, nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm… nâng cao hiệu quả trồng trọt, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAHP và các tiến bộ kỹ thuật mới về giống vật nuôi được nhân nhanh trong các trang trại. Đối với thủy sản, đã tích cực áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường trong nuôi thâm canh và nuôi công nghiệp để tạo ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ngư dân tích cực đầu tư lắp đặt ra đa, máy dò cá, định vị vệ tinh GPS, hải đồ điện tử… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ.

Kiều Nga và nhóm PV, BTV