Toàn tỉnh Nam Định hiện có gần 112 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 90 nghìn ha đất phù sa màu mỡ và trên 17 nghìn ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, đến nay toàn tỉnh có 39 chuỗi liên kết; trong đó có 11 chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi chăn nuôi, 15 chuỗi thủy sản và 3 chuỗi diêm nghiệp. Trong số các chuỗi có 7 chuỗi do các HTX, chủ trang trại làm chủ chuỗi; 32 chuỗi do doanh nghiệp làm chủ. Có nhiều chuỗi được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, áp dụng công nghệ cao gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Điển hình là chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) với quy mô trên 1.000ha, sản lượng cung cấp 6.000 tấn/năm; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân, Trực Hùng (Trực Ninh) với quy mô trên 500ha, sản lượng cung cấp 3.000 tấn/năm; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Danh công suất 5.000 con/ngày; chuỗi sản xuất ngao sạch xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam với quy mô 1.500ha, sản lượng cung cấp 6 triệu tấn/năm; chuỗi chế biến tiêu thụ nông sản sấy Minh Dương với quy mô 200ha, sản lượng cung cấp 700 tấn/năm; chuỗi liên kết thuỷ sản chế biến, đông lạnh của Công ty TNHH Hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thuỷ) sản lượng cung cấp 3.000 tấn/năm; chuỗi liên kết sản phẩm chế biến từ thịt lợn của Công ty TNHH Một thành viên Chế biến thực phẩm Nghĩa Thành (thành phố Nam Định), sản lượng cung cấp 1.000 tấn/năm…

Các doanh nghiệp và HTX làm chủ chuỗi có vai trò lựa chọn cung cấp vật tư đầu vào, giám sát kỹ thuật sản xuất, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; các đối tác tham gia trong chuỗi thực hiện đúng hợp đồng liên kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp, HTX. Các cơ quan Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tác.

Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay ở các địa phương trong tỉnh. Kết quả đạt được trong xây dựng các chuỗi liên kết giá trị đã góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp của nông dân đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu, mang lại giá trị thu nhập đáng kể cho các thành viên.

Thành Nam