Góp nhặt chia sẻ của một số doanh nhân người nước ngoài về cách làm việc của người Việt.
Nói trước khi làm
Giám đốc một công ty kiểm toán, tư vấn tài chính đa quốc gia kể chuyện hồi ông mới sang Việt Nam làm việc, cấp dưới của ông đề nghị ông phê duyệt việc tổ chức lễ khởi động dự án mà công ty ông tư vấn cho một đối tác Việt Nam. Người đề nghị giải thích đây là theo văn hóa Việt Nam và cũng là để cộng đồng doanh nghiệp biết đến công ty. “Tôi đã vài lần giải thích cho cấp dưới hiểu việc này là không cần thiết”, ông nói.
Ông chia sẻ suy nghĩ: “Tôi thấy người Việt có văn hóa ăn mừng, chào mừng. Mới có kế hoạch thôi là đã tổ chức tiệc, lễ ký kết, mời báo chí... Khi công việc còn chưa thành công cũng đã vội vàng ăn mừng. Tôi nghĩ những thông tin ký kết hợp đồng này, tư vấn dự án kia không có giá trị nhiều vì chẳng ai quan tâm cả. Hãy cứ lẳng lặng bắt đầu công việc. Việc ăn mừng ngay từ đầu sẽ khiến người ta không có nhiều động lực để làm, và khi dự án thất bại thì lại phải ỉm đi và như thế quả là xấu hổ. Hãy để khi thành công rồi thì ăn mừng. Kể cả đã thành công mà không làm chuyện ồn ào ra công chúng thì công chúng cũng sẽ tự biết. Chỉ trừ những dự án nhà nước có ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng thì nên thông tin rộng rãi cho công chúng biết”.
Sợ người lớn tuổi
Tại một hội thảo gần đây về kỹ năng lãnh đạo, một giáo sư người Mỹ từng huấn luyện cho một số công ty tại TPHCM, cho biết điều ông rút ra sau khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam là đa số người Việt có nhiều ưu điểm, nhưng hầu hết nhân viên lại không dám phản biện sếp, nhất là đối với sếp lớn tuổi hơn.
Ông cho biết tại một công ty hàng tiêu dùng mà ông tham gia đào tạo đội ngũ quản lý trong ba tuần, các nhân viên ít tuổi hơn không dám phản biện, bổ sung ý kiến của sếp họ. “Khi trao đổi riêng với các nhân viên, tôi thật bất ngờ khi họ nói họ biết quan điểm của sếp là chưa đầy đủ nhưng vì đó là sếp nên họ sẽ làm theo. Họ nói văn hóa Việt Nam là sống lâu lên lão làng, ai lớn tuổi và làm việc lâu năm trong công ty thì được nhân viên nể sợ. Người đó mà làm sếp thì lại càng ít người dám cãi lại, đại ý cãi lại sếp thì mình thiệt trước”, ông kể.
Vị giáo sư cho biết ông thấy lo ngại về nếp văn hóa này vì nó sẽ kéo công ty đi xuống. Ông nói: “Văn hóa tôn trọng người lớn tuổi có ở nhiều nơi ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng khi làm việc thì mọi ý kiến cần phải được đối xử bình đẳng. Nếu người sếp công ty không phát hiện ra hay không thay đổi điều này thì thật nguy hại”.
Thiếu chia sẻ
Nói về giới lãnh đạo doanh nghiệp, vị giáo sư nhận ra họ thường giữ bí mật của doanh nghiệp, dù vấn đề có khi không phải là vấn đề gì lớn. Họ giữ kín chuyện chỉ trong vài người biết với nhau và giấu nhẹm với số đông cấp dưới. Họ sợ nhân viên biết sẽ bàn tán làm lớn chuyện hoặc không còn trung thành nữa. Nói chung, họ không muốn nói về những khó khăn.
Sự thành công của công ty được tạo ra nhờ văn hóa nhiều hơn là từ các chiến lược. Cách mà những người trong công ty đối xử tốt với nhau khi trời yên biển lặng sẽ là giá đỡ cho công ty vào những lúc khó khăn. |
Nhưng trớ trêu thay công chúng thì luôn muốn biết. Ở đây sinh ra mâu thuẫn giữa hai bên: một bên muốn giấu và một bên muốn biết, và làm nảy sinh câu chuyện về cân bằng lợi ích.
“Khi làm sếp, anh chẳng thể chia sẻ hết mọi thứ và làm cho tất cả mọi người đều hài lòng. Nhưng điều mà người lãnh đạo có thể làm được tốt nhất chính là chia sẻ. Có thể khi đó nhân viên không bằng lòng nhưng ít nhất họ hiểu được anh”, vị chuyên gia nói. Nên nhớ, sự thành công của công ty được tạo ra nhờ văn hóa nhiều hơn là từ các chiến lược. Cách mà những người trong công ty đối xử tốt với nhau khi trời yên biển lặng sẽ là giá đỡ cho công ty vào những lúc khó khăn. Có những chuyện một mình người sếp không thể làm được mà cần có sự tương hỗ.
Chuyên gia này cho rằng nền văn hóa hợp tác là điều mà các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phải gây dựng cho công ty của mình ngay bây giờ. “Hãy hiểu người trước khi người hiểu ta. Mà để hiểu được người khác thì phải học cách lắng nghe và lặp lại ngôn ngữ của nhân viên thay vì chỉ chăm chăm đòi hỏi họ. Tin tôi đi, khi ta đầu tư vào con người thì kết quả là lâu bền nhất”, ông nói.
Xuề xòa, ném đá
Cũng cho nhận xét về người Việt, giám đốc một ngân hàng toàn cầu đưa ra ba từ: pride, colorful và future. Giải thích ba từ này, ông nói: “Tôi thấy người Việt hết sức tự hào về quốc gia và bản sắc của mình, niềm tự hào được thể hiện trong rất nhiều việc mà người Việt làm. Người Việt cũng rất nhiều màu sắc, điều này tôi rất thích vì tôi đến từ Mexico, một quốc gia cũng rất nhiều màu sắc. Nhiều màu sắc ở đây là cá tính riêng của con người mà người khác chỉ có thể cảm nhận được không phải bằng cái đầu mà bằng con tim, bằng các giác quan. Tôi cũng nhìn thấy một tương lai của người Việt. Cơ cấu dân số Việt Nam hiện là 40% ở độ tuổi 30; 36% ở độ tuổi 50, cho thấy dân số Việt Nam trẻ và vẫn còn trẻ trong vòng vài chục năm tới. Điều này cũng có nghĩa các bạn có một hiện tại năng động, một tương lai xán lạn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận xét tích cực, vị giám đốc người Mexico cho biết ông cùng một số người từng bàn luận với nhau về cái gọi là “ném đá”. Ông nói trong cuộc sống luôn có hai kiểu người: người dẫn đầu (leader) và người theo sau (follower). “Tôi luôn muốn nhân viên của mình là những con người tiên phong, tạo ra xu hướng, không bao giờ hài lòng với những thành quả đạt được. Cho nên chúng tôi rất cổ vũ tinh thần tiên phong nhắm tới những sự đột phá mà rất nhiều trong đó mọc lên từ con số 0. Dĩ nhiên điều đó là không dễ dàng. Nhưng ở Việt Nam, mọi người nói với tôi rằng làm người theo sau thì sẽ rất yên tâm, còn làm người đi đầu thì hay bị... ném đá”.
Ông nói tiếp: “Tâm lý đám đông nhiều lúc không mang lại giá trị gì mới. Theo tôi, ta không cần quan tâm những người ném đá, bởi nếu ta chọn hướng đúng thì họ sẽ quay sang bắt chước, còn nếu ta chọn hướng đi sai cũng không sao cả, ta sẽ điều chỉnh lại cho đúng. Cho nên, trong đầu ta nhất thiết phải biết rõ phương hướng sẽ đi đến đâu và nhất quán với điều đó thì ta sẽ vững dạ. Mà thực ra, có người ném đá cũng tốt, vì điều đó cho ta biết ta có gan thay đổi, có gan chèo thuyền đi”.
Một điểm nữa mà vị này muốn góp ý cho cách làm việc của người Việt đó là “người Việt hơi xuề xòa”, dẫn tới hệ quả là công việc chưa chuyên nghiệp. “Tuy nhiên, tôi đã thấy có những việc người Việt làm hết sức chuyên nghiệp nên rõ ràng là họ có thể. Cần phải làm cho sự chuyên nghiệp này được trải rộng chứ không nên cứ mãi chấp nhận một thứ hiệu suất... “được được””, ông nói.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)