Ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT cho biết, cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây, nhất Bộ GTVT đã triển khai dự án sửa chữa lớn với vốn đầu tư lên tới 256 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạng mục cần phải sửa chữa.

Sau hơn 120 năm khai thác cầu đã quá cũ, xuống cấp. Nếu không sửa tổng thể mà sửa chữa nhỏ thì tháo phần phần này lại hỏng phần khác. Trong khi đó vốn bảo trì ít, trước mắt chỉ có thể khắc phục ngay những hạng mục nhỏ, đe dọa mất an toàn giao thông. 

Muốn sửa chữa nâng cấp tổng thể, phải có nguồn vốn rất lớn, có thể là vốn đầu tư phát triển hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác như ODA. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào, vốn bao nhiêu lại là bài toán khó, nhất là khi chưa rõ định hướng chức năng tương lai của cầu.

Cầu Long Biên xuống cấp (Ảnh: Đình Hiếu)

Theo quy hoạch, dự án tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1) có hướng tuyến đi trùng vị trí cầu Long Biên. Trước đây, Nhật Bản đã nghiên cứu, đề xuất phương án làm cầu đường sắt mới cách cầu Long Biên hiện hữu 75m. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất phức tạp, nhất là khu vực phố cổ.

Còn nếu đi trùng với hướng tuyến hiện nay sẽ không phải giải phóng mặt bằng, nhưng có thể phải “bỏ” cầu hiện tại hoặc đại tu, nâng cấp cho hiện đại. Khi đó sẽ khó giữ lại được hình dáng cầu Long Biên hiện hữu như mong muốn của các nhà văn hóa, lịch sử.

Đại diện vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho rằng, để khôi phục cầu Long Biên như thiết kế ban đầu thì về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được nhưng cần nguồn vốn rất lớn. Thế nhưng do qua các lần sửa chữa sau chiến tranh, kết cấu cầu không đồng bộ nữa, nhiều nhịp dầm đã được thay. Vì thế, nếu khôi phục cầu thì sẽ có các nhịp, dầm mới, không còn nguyên bản thời Pháp.

Giờ không ai dám khẳng định là cầu sẽ sử dụng đến bao giờ thì thôi vì cũng không biết khi nào đường sắt đô thị số 1 được xây dựng, hoàn thành. Cũng chưa rõ phương án đối với cầu Long Biên ra sao. Có rõ "tương lai" cầu Long Biên như thế nào mới có thể "kê đơn, bốc thuốc”

Trong khi chưa xác định được phương án thế nào thì vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông, vẫn phải cho xe qua cầu. Vì thế hiện chỉ có thể bố trí vốn để đảm bảo an toàn khai thác cầu.

"Đối với những hư hỏng có nguy cơ mất an toàn phần đường bộ trên cầu, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh kế hoạch bảo trì để bổ sung nguồn vốn, doanh nghiệp bảo trì đưa vào phương án tác nghiệp quý 2, quý 3/2022. Nếu cần thiết phải có dự án sửa chữa định kỳ thì phải lập dự án, báo cáo Bộ để triển khai các thủ tục liên quan", ông Điệp thông tin.

Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt thực hiện kiểm định tổng thể cầu Long Biên, đề xuất hạng mục nào cần sửa chữa và nguồn vốn. Bộ GTVT sẽ rà soát, thẩm định, báo cáo Chính phủ xin nguồn vốn, lộ trình thực hiện.

Cần cấm cả xe 3 bánh qua cầu

Ông Điệp cho biết, việc bảo vệ cầu, đảm bảo an toàn không chỉ là trách nhiệm của đơn vị chủ quản mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Cầu Long Biên đã quá niên hạn sử dụng theo quy định, nhưng do nhu cầu vận tải đường sắt cũng như lưu thông của người dân nên vẫn phải sửa chữa, bảo trì cầu để duy trì khai thác sử dụng.

Cầu Long Biên từng cấm các phương tiện đường bộ qua cầu nhưng nhiều người dân và địa phương có ý kiến nên lại sửa chữa, bảo trì để phục vụ người dân, nhưng chỉ cho xe máy, xe đạp, xe thô sơ, cấm ô tô. 

Thế nhưng thời gian qua nhiều xe máy, xe ba bánh chở nặng, thậm chí cả ô tô qua cầu đã gây áp lực lên mặt đường, dẫn đến hay hư hỏng, nhanh xuống cấp. Do vậy, trong khi chờ vốn đầu tư lớn cho cầu Long Biên, cần thiết tăng vốn bảo dưỡng cho cầu, đồng thời tăng cường công tác bảo trì, kiểm tra, kiểm soát công trình.

Cùng đó thực hiện các biện pháp ngăn chặn các nguy cơ tác động đến an toàn cầu như hiện tượng xe chở nặng hay tụ tập đông phương tiện, người trên cầu như thời gian qua. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân, chính quyền địa phương phải vào cuộc, tăng cường kiểm soát, có biện pháp ngăn ngừa, xử lý triệt để.

Cầu Long Biên cần được sửa chữa lớn

Cục trưởng Đường sắt Vũ Quang Khôi cho biết, để hạn chế các ảnh hưởng đến mặt đường bộ, cần phải cắm biển cấm, biển cảnh báo mới không cho xe đạp thồ, xe máy thồ qua cầu. 

Cục Đường sắt cũng sẽ làm việc với các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên để có các giải pháp về đảm bảo an toàn giao thông, xử lý các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên cầu như họp chợ, kinh doanh, du lịch khu vực bãi giữa.

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, mặc dù cầu Long Biên đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân hai bên cầu khu vực quận Hoàn Kiếm, Long Biên, giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT hiện đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.

Ông Hải cho rằng, ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu.

Vũ Điệp